Giải đáp thông tin về biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
Một số biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường có thể gặp là bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên,… Theo thống kê, có khoảng 52 – 80% người tiểu đường đã tử vong do biến chứng này. Vậy để hiểu rõ hơn các thông tin về biến chứng cũng như cách phòng ngừa hoặc làm chậm biến chứng bệnh hãy theo dõi bài viết dưới đây.
1. Thực trạng tỷ lệ số người mắc biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Người tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 – 4 lần so với người bình thường. Có tới khoảng 85% người bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch hoặc đã từng mắc các biến cố về xơ vữa động mạch.
Biến chứng tim mạch còn là nguyên nhân chính gây tử vong ở người tiểu đường type 2 (chiếm tỷ lệ khoảng 52 – 80%). Trong đó bệnh động mạch vành, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người tiểu đường.
2. Cơ chế gây biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Biến chứng tim mạch tiểu đường là một quá trình phức tạp, có liên quan đến nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do lượng đường trong máu tăng cao gây ra các tổn thương cho hệ tim mạch như:
- Tổn thương tế bào nội mạc: Lượng đường huyết dư thừa và Stress oxy hóa xảy ra gây tổn thương mạch máu và các mô của tế bào nội mạc, tăng quá trình chết theo chu trình của của tế bào nội mạc.
- Rối loạn chức năng nội mạc: Từ những tổn thương trên, chức năng nội mạc dần bị rối loạn gây ra tình trạng các phân tử Cholesterol có thể đi xuyên qua và kết dính ở trong lớp nội mạc.
- Hình thành mảng xơ vữa: Phân tử Cholesterol tích tụ dần tạo thành các mảng vữa xơ động mạch. Sau đó lòng mạch hẹp dần, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ quan, tổ chức.
- Hình thành huyết khối: Lớp nội mạc bị tổn thương không chỉ gây xơ vừa mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển đến các vị trí mao mạch hẹp sẽ gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ, cấp tính như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đau thắt ngực,…
3. Các biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường
Tùy vị trí mạch máu bị tổn thương mà có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch sau:
3.1. Bệnh mạch vành
Triệu chứng lâm sàng của bệnh mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường rất đa dạng và không dễ phát hiện. Một số biểu hiện có thể gặp:
- Cơn đau thắt ngực (Cơn đau ở vùng sau xương ức, người bệnh có cảm giác như bị bóp nghẹt tim. Cảm giác đau có thể lan ra vai trái, cằm hoặc cánh tay trái)
- Tức nặng ở ngực trái
- Hồi hộp
- Cảm giác đánh trống ngực
- Khó thở
Tuy nhiên có nhiều trường hợp không có biểu hiện hoặc có biểu hiện nhẹ, thoáng qua và người bệnh không hề nhận ra mình đang có nguy cơ nhồi máu cơ tim. Thường chỉ khi kiểm tra sức khỏe mới tình cờ phát hiện ra tình trạng biến chứng tim mạch.
Vì vậy người bệnh cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch khi gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cho dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ. Điều này cho phép phát hiện và xử trí sớm các vấn đề liên quan đến tim mạch, giúp tăng cơ hội điều trị thành công và tránh các biến chứng nghiêm trọng.
3.2. Bệnh lý mạch máu não
Chủ yếu người bệnh thường phải đối mặt với tai biến mạch máu não (hay đột quỵ). Trong đó có 2 dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Một số dấu hiệu sớm của bệnh lý mạch máu não:
- Thường xuyên chóng mặt nhẹ
- Mất thăng bằng
- Trí nhớ suy giảm
- Rối loạn giấc ngủ
Triệu chứng lâm sàng:
- Bại hoặc liệt một nửa cơ thể
- Bị méo miệng
- Rối loạn ý thức ở mức độ khác nhau
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện thoáng qua rồi phục hồi, dần dần sau đó bệnh tái phát và diễn tiến nặng nề hơn. Khi này nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ để lại di chứng và thậm chí tử vong.
3.3. Bệnh lý mạch máu ngoại biên
Bệnh lý mạch máu ngoại biên xảy ra khi có sự cản trở lưu thông máu ( xuất hiện cục máu đông) đến cơ bắp, mô mềm,… ở các chi. Một số dấu hiệu bệnh thường gặp:
- Chuột rút
- Loét bàn chân
- Mạch mu bàn chân mất hoặc yếu.
- Huyết áp chi dưới thấp
- Biểu hiện “đi cà nhắc cách hồi” (tình trạng khi người bệnh đi bộ cần phải nghỉ ngơi hoặc đi chậm lại một quãng đường ngắn rồi mới có thể đi tiếp)
Ngoài ra bệnh mạch máu ngoại biên có thể có biểu hiện ở động mạch mắt. Thị lực của bệnh nhân suy giảm, nhìn mờ. Biến chứng này đòi hỏi cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng như mù lòa.
4. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Ngoài nguyên nhân chủ yếu là đường huyết tăng cao, khi người bệnh có kèm theo những yếu tố sau cũng sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc biến chứng:
- Tuổi cao ( ≥ 60 tuổi; càng cao tuổi, nguy cơ càng tăng): Hệ miễn dịch người cao tuổi suy giảm, khả năng chữa lành những tổn thương do đường huyết tăng cao cũng suy giảm. Do đó, nguy cơ mắc biến chứng tim mạch cũng tăng cao.
- Tăng huyết áp: Điều này sẽ gây áp lực lên thành mạch, tăng mức độ tổn thương của nội mạc và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Không chỉ vậy, huyết áp cao là nguy cơ rạn nứt hoặc làm vỡ mạch máu não gây xuất huyết não, đột quỵ.
- Rối loạn mỡ máu: Tăng Cholesterol xấu (LDL), giảm Cholesterol tốt (HDL) sẽ tạo điều kiện cho tình trạng xơ vữa động mạch.
- Béo phì gây tích trữ mỡ thừa, tăng Cholesterol. Không chỉ vậy, thừa cân cũng gây tăng áp lực lên tim và làm tăng huyết áp.
- Lối sống ít vận động: Đây cũng là một yếu tố làm tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu,… làm gia tăng nguy cơ gặp biến chứng về mạch vành, đột quỵ.
- Nghiện thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ cao gây ra các biến chứng về tim mạch. Nicotin trong thuốc là có tác động gây co mạch, tăng nhịp tim, tăng hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Tiền sử gia đình: Đây là yếu tố di truyền, người tiểu đường có người thân mắc bệnh về tim mạch cũng sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Biến chứng của tiểu đường tuýp 2 |
5. Xét nghiệm phát hiện biến chứng tim mạch
Nhiều dạng biến chứng tim mạch tiểu đường rất khó để phát hiện bằng các triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, một số xét nghiệm có thể được chỉ định để phát hiện sớm biến chứng bệnh, bao gồm:
- Điện tâm đồ: Là kỹ thuật sử dụng thiết bị để ghi lại tín hiệu điện từ tim. Qua đó bác sĩ có thể đánh giá hoạt động của tim, phát hiện các vấn đề về tim mạch và đưa ra chẩn đoán. Điện tâm đồ có thể được sử dụng để phát hiện bệnh lý mạch vành.
- Siêu âm tim: Biện pháp sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh chân thực về tim và các cấu trúc liên quan. Kỹ thuật này được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, phát hiện cấu trúc bất thường của tim,…
- Chụp cắt lớp vi tính (CT não): Biện pháp sử dụng các tia X để tạo hình ảnh về cấu trúc của não bộ. Các vấn đề có thể được phát hiện bằng phương pháp này như đột quỵ, huyết khối, các bệnh lý mạch máu não khác,…
- Siêu âm Doppler: Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để phân tích tốc độ và hướng di chuyển của các chất lỏng trong cơ thể. Kỹ thuật này được sử dụng để đánh giá và xem xét dòng chảy, chức năng của các mạch máu, giúp phát hiện các vấn đề về tổn thương mạch máu chi dưới, bệnh lý tim mạch,…
6. Nguyên tắc điều trị các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Người tiểu đường mắc biến chứng tim mạch khi được điều trị cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Kiểm soát tốt đường huyết: theo khuyến cáo, người tiểu đường cần kiểm soát chỉ số đường máu lúc đói ≤ 7 – 7,5 mmol/l và HbA1C ≤ 6,5 – 7%. Bởi đường huyết cao là một nguyên nhân chính gây ra tổn thương và biến chứng tim mạch.
- Điều trị toàn diện: Không chỉ quan tâm điều trị cải thiện các triệu chứng của biến chứng, mà cần phải kết hợp với việc thay đổi các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là bỏ hút thuốc lá, điều trị tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh để kịp thời phát hiện các biến chứng và có hướng xử trí sớm, triệt để.
Có thể bạn quan tâm:
Chỉ số hba1c bao nhiêu là bị tiểu đường |
7. Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở người tiểu đường
Để giảm thiểu yếu tố nguy cơ làm gia tăng biến chứng bệnh, người bệnh nên chú ý thực hiện:
- Kiểm soát đường huyết đạt dưới mức mục tiêu, giữ đường huyết ổn định bằng cách tuân thủ điều trị, thực hiện lối sống lành mạnh.
- Kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu: Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo bão hòa, tăng cường luyện tập thể dục.
- Giảm cân: Duy trì cân nặng ở mức BMI = 18.5 – 23 kg/m2 giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ: Tăng cường bổ sung chất xơ trong rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây có chỉ số GI thấp,… Giảm ăn muối, tinh bột, chất béo, đạm.
- Kiểm soát căng thẳng: Stress kích thích cơ thể tiết ra Hormon Cortisol làm tăng huyết áp và tăng đường trong máu.
- Bỏ thuốc lá: Giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý và biến chứng tim mạch.
- Tăng cường vận động thể lực, tập ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày. Các bài tập đơn giản mà phù hợp với người bệnh như đi bộ, yoga,…
- Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện khám 1 – 2 lần/ năm giúp tăng cơ hội phát hiện sớm bệnh.
Ngoài ra để hỗ trợ duy trì đường huyết ổn định và cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh, bạn có thể sử dụng Glucare Gold – một sản phẩm dinh dưỡng dành cho người tiểu đường.
Đây là sản phẩm sữa có chỉ số đường huyết thấp đã được chứng minh lâm sàng giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Hệ đường hấp thu chậm (Isomaltulose, Erythritol) tiên tiến được chứng nhận hiệu quả kiểm soát đường huyết sau uống bở cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu. Sữa bổ sung cho người tiểu đường 56 dưỡng chất cùng Đạm thực vật, đạm Whey từ Mỹ giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Omega 3,6,9 & Antioxidants – hỗ trợ giảm biến chứng tim mạch & phòng ngừa đột quỵ.
Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó người bệnh cần nắm rõ thông tin đồng thời thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm sữa Glucare giúp ổn định đường huyết và phòng tránh biến chứng tiểu đường, vui lòng liên hệ qua hotline 1800 6011 để được giải đáp tận tình.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *