Cách đọc kết quả: Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bị tiểu đường?
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
HbA1c là chỉ số xét nghiệm cho thấy tỷ lệ % đường Glucose gắn vào hồng cầu, do đó, khi HbA1c càng cao có nghĩa là nồng độ đường trong máu và đường gắn vào hồng cầu càng cao. Vậy xét nghiệm HbA1c có được sử dụng để chẩn đoán tiểu đường không? Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bị tiểu đường? Hãy cùng Nutricare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Đọc kết quả chỉ số HbA1c bao nhiêu là tiểu đường?
Chỉ số HbA1c (hemoglobin A1c) được sử dụng để đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết trong một khoảng thời gian dài, thường là từ 2 đến 3 tháng. Do đó nếu chỉ số HbA1c cao có nghĩa là lượng đường tồn dư nhiều trong máu. Điều này là yếu tố làm thúc đẩy phát triển thành bệnh tiểu đường.
Kết quả đánh giá chỉ số HbA1c theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, cụ thể:
Chỉ số HbA1c | Ý nghĩa |
Dưới 5.7% | Mức chỉ số được xem là bình thường và không có dấu hiệu của tiểu đường |
5.7% đến 6.4% | Mức chỉ số tiền tiểu đường, có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường. |
Từ 6.5% trở lên | Mức chỉ số được coi là đủ để chẩn đoán tiểu đường. |
Vậy, ta có thể thấy, chỉ số HbA1c ở người bình thường là dưới 5.7%. Nếu xét nghiệm có chỉ số từ 5.7% – 6.4% là mức tiền tiểu đường, bạn cần chú ý chỉ số càng cao (càng gần 6.4%) nguy cơ tiểu đường càng tăng. Nếu chỉ số HbA1c từ 6.5% trở lên, đây là mốc để chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
2. Một số yếu tố làm tăng/ giảm chỉ số HbA1c
Chỉ số HbA1c có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, bạn nên lưu ý những điều sau và thông báo cho bác sĩ để họ có thể hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bạn và đánh giá kết quả xét nghiệm chính xác nhất. Ngoài tình trạng tăng Glucose máu gây tăng mức HbA1c, dưới đây là một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chỉ số này:
Yếu tố làm tăng mức chỉ số HbA1c:
- Thiếu máu do thiếu sắt, Vitamin B12, Folate: Một số nghiên cứu [1], [2], [3], [4] cho thấy thiếu máu do thiếu sắt có khả năng làm tăng chỉ số HbA1c. Mặc dù cơ chế chưa được tìm hiểu rõ, nhưng điều này có thể gây ảnh hưởng tới chẩn đoán tiểu đường.
- Bệnh thận mãn tính làm tăng Ure máu, dẫn đến gia tăng sản xuất huyết sắc tố Carbamyl và ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm HbA1c.
- Nghiện rượu có thể làm tăng mức HbA1c, do rượu phản ứng với huyết sắc tố trong máu tạo thành HbA1c-AcH. Đây sẽ là hoạt chất gây nhiễu, tạo kết quả giả cho xét nghiệm.
- Ngộ độc opioid cũng gây tăng chỉ số HbA1c. Đây là kết quả của một báo cáo [5], nhưng tuy nhiên cơ chế chưa được tìm hiểu chính xác.
Yếu tố làm giảm mức chỉ số HbA1c:
- Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng tăng tạo hồng cầu, pha loãng máu,… Do đó gây giảm chỉ số HbA1c.
- Bệnh lý như mất máu mạn tính, thiếu máu do xuất huyết nặng, bệnh hồng cầu hình liềm,… sẽ gây giảm đáng kể lượng hồng cầu. Do đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả của xét nghiệm HbA1c.
Có thể bạn quan tâm:
Chỉ số tiểu đường thai kỳ |
3. Biện pháp làm giảm chỉ số HbA1c
Để giảm và duy trì chỉ số HbA1c ở mức an toàn, bạn nên tuân thủ các biện pháp kiểm soát và quản lý tiểu đường một cách chặt chẽ. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo:
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Ăn chế độ đa dạng, lành mạnh, tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu chất xơ. Đồng thời hạn chế lượng đường, Carbohydrate, chất béo bão hòa…
- Luyện tập thể dục phù hợp như đi bộ, bơi, yoga,… khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sự nhạy cảm của tế bào đối với Insulin, hỗ trợ giảm đường huyết mà giảm chỉ số HbA1c.
- Kiểm soát cân nặng: Nên giảm cân khi thừa cân, béo phì, duy trì mức chỉ số BMI trong khoảng 18.5 – 23 kg/m2. Kiểm soát cân nặng tốt có thể giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết.
- Giữ tinh thần thoải mái: Căng thẳng, Stress có thể là yếu tố làm tăng đường huyết. Bạn có thể thư giãn bằng cách ngồi thiền, tập yoga, massage,…
Có thể bạn quan tâm:
Chỉ số tiểu đường ở trẻ em |
4. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về chỉ số HbA1c
Ngoài vấn đề được trình bày ở phần trên, một số thắc mắc khác về chỉ số HbA1c cũng được nhiều người quan tâm sẽ được trình bày ngay sau đây:
Câu 1: Tại sao đường huyết cao nhưng chỉ số HbA1c lại thấp
Chỉ số HbA1c phản ánh lượng đường huyết trung bình của người bệnh trong 3 tháng gần nhất, không phụ thuộc vào thời điểm sau ăn, khi đói, trước khi đi ngủ,… Còn xét nghiệm đường huyết sẽ phản ánh lượng đường trong máu của bạn trong thời điểm lấy máu xét nghiệm. Do đó kết quả xét nghiệm đường huyết có thể phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời điểm lấy máu trước hay sau ăn, chế độ sinh hoạt, vận động,…
Vì vậy, khi xét nghiệm chỉ số đường huyết cao mà chỉ số HbA1c thấp, để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác, bạn nên theo dõi và kiểm tra lại đường huyết trong 3 ngày tiếp theo. Nếu chỉ số đường huyết đo tại thời điểm 2 giờ sau ăn vẫn cao bất thường (trên 140 mg/dL), bạn nên đến trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị sớm nhất.
Câu 2: Chỉ số HbA1c bao nhiêu thì biến chứng
Xét nghiệm HbA1c là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết trong một khoảng thời gian dài. Do đó mức độ biến chứng liên quan đến chỉ số HbA1c có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, lứa tuổi,…
Tuy nhiên một số mức độ của chỉ số HbA1c là nguy hiểm mà bạn nên lưu ý:
- Trên 7.0%: Mức độ này cho thấy mức kiểm soát đường huyết không tốt. Nguy cơ biến chứng như tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, và các vấn đề sức khỏe khác, có thể tăng lên.
- Trên 9.0%: Đây là mức chỉ số HbA1c cao, nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng như mù lòa, tổn thương thần kinh, suy thận,… có thể tăng đáng kể.
Trên đây là thông tin trả lời cho câu hỏi “Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bị tiểu đường?” Thông qua đó, bạn hãy áp dụng các biện pháp giúp kiểm soát, cải thiện chỉ số HbA1c ở mức an toàn. Nếu bạn đọc còn có thắc mắc về chỉ số HbA1c, mời bạn liên hệ với Nutricare qua hotline 1800.6011 để được tư vấn thêm.
Ghé thăm trang web của Nutricare Thương hiệu Quốc gia Dinh dưỡng Y học để nhận được những thông tin về sức khỏe bổ ích và cập nhật mỗi ngày.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *