So sánh tiểu đường Type 1 và Type 2 – Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

5/5 - (1 vote)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh – Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare

Bệnh tiểu đường gồm 2 type chính là tiểu đường type 1 (chiếm 10%) và type 2 (chiếm 90%) và sự khác biệt chủ yếu nằm trong nguyên nhân. So sánh tiểu đường type 1 và type 2 cũng như phân biệt được 2 type bệnh này có ý nghĩa rất lớn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hãy cùng Nutricare tìm hiểu và nhận biết tiểu đường type 1 và type 2 với bài viết sau đây nhé!

1. Điểm giống nhau của bệnh tiểu đường type 1 và type 2

Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều là bệnh liên quan đến lượng đường trong máu cao. Khi hoạt động của hormone insulin ở tuyến tụy bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ đường trong máu. Bởi insulin có nhiệm vụ là chuyển glucose từ máu vào các tế bào để tạo ra năng lượng. Khi hoạt động của insulin bị hạn chế, glucose sẽ tích tụ trong máu thay vì cung cấp năng lượng cho cơ thể và gây nên bệnh tiểu đường.

Trong cả hai thể, bệnh nhân đều có nguy cơ gia tăng đối với một loạt các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe như: đột quỵ, bệnh tim, huyết áp tăng cao… nếu không kiểm soát và ổn định đường đường huyết.

Cả tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2 đều là bệnh lý không lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là các bệnh lý mãn tính và gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, để khắc phục bệnh tiểu đường, người bệnh cần thực hiện các phác đồ điều trị phù hợp, duy trì lối sống, ăn uống khoa học để kiểm soát tốt lượng đường trong máu. [1]

Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều là bệnh liên quan đến lượng đường trong máu cao 
Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 đều là bệnh liên quan đến lượng đường trong máu cao

2. So sánh điểm khác biệt giữa tiểu đường type 1 và type 2

Sự khác biệt giữa tiểu đường type 1 và type 2 chủ yếu đến từ nguyên nhân hình thành bệnh. Phân biệt được 2 thể bệnh sẽ có giá trị rất lớn trong việc đưa ra phác đồ điều trị bệnh hiệu quả. Sau đây là bảng so sánh tiểu đường type 1 và type 2 để bạn nắm rõ: [2] [3]

Nội dung Tiểu đường Type 1 Tiểu đường Type 2
Nguyên nhân
  • Do yếu tố di truyền hoặc môi trường.
  • Là bệnh tự miễn do tế bào miễn dịch trong cơ thể tự phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, gây cản trở quá trình sản xuất insulin khiến glucose không thể di chuyển vào tế bào để tạo ra năng lượng mà tích tụ lại trong máu.
Do lối sống không lành mạnh, ăn nhiều chất béo, thực phẩm nhiều đường và ít vận động.
Độ tuổi mắc bệnh Người dưới 30 tuổi hoặc độ tuổi thanh thiếu niên Người trưởng thành hay những người trên 40 tuổi.
Thể trạng Thể trạng gầy Thể trạng béo
Biểu hiện lâm sàng
  • Ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều
  • Thường xuyên khát
  • Sụt cân nhanh, người mệt mỏi
  • Bệnh tiến diễn âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng
  • Một số dấu hiệu sớm của bệnh như: thừa cân, béo phì, da khô, tê bì chân tay…
Nhiễm ceton, tăng ceton trong máu và nước tiểu Dương tính Âm tính
C-peptid
Thấp/Không đo được Bình thường hoặc tăng
Kháng thể
Kháng đảo tụy (ICA)
Kháng Glutamic acid decarboxylase 65 (GAD 65) Kháng Insulin (IAA)
Kháng Tyrosine phosphatase (IA-2)
Kháng Zinc Transporter 8 (ZnT8)
Dương tính Âm tính
Phương pháp điều trị
Bắt buộc dùng insulin Thay đổi lối sống, ăn uống khoa học và sử dụng insulin tùy thuộc vào tình trạng bệnh
Cách ngăn ngừa bệnh Không có cách phòng ngừa Ngăn ngừa biến chứng bệnh bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên

2.1. Độ tuổi mắc bệnh

Tiểu đường type 1 và type 2 sẽ có sự khác biệt về độ tuổi và thể trạng của người bệnh. Cụ thể:

  • Tiểu đường type 1: Bệnh thường gặp ở người trẻ, dưới 30 tuổi hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên và người bệnh thường có thể trạng gầy.
  • Tiểu đường type 2: Bệnh thường xuất hiện ở những người > 40 tuổi và có thể trạng béo phì.

2.2. Nguyên nhân

Một trong những tiêu chí cơ bản để so sánh tiểu đường type 1 và type 2 chính là từ nguyên nhân gây bệnh.

Tiểu đường type 1: Là thể bệnh được hình thành do 2 nguyên nhân chính:

  • Do yếu tố di truyền hoặc do môi trường như: nhiễm virus, độc tố từ trong bụng mẹ.
  • Do phản ứng tự miễn, các tế bào miễn dịch trong cơ thể tự phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy. Từ đó, gây cản trở quá trình sản xuất insulin khiến glucose trong thể di chuyển vào tế bào để tạo ra năng lượng mà tích tụ lại trong máu.

Tiểu đường type 2: Bệnh được hình thành do lối sống thiếu khoa học như: chế độ ăn nhiều calo, giàu chất béo và chứa nhiều đường. Đồng thời, người bệnh ít vận động nên dư thừa calo, có hiện tượng kháng insulin hoặc giảm tiết insulin…khiến lượng glucose không chuyển vào tế bào để chuyển hóa hết thành năng lượng và tích tụ lại trong máu khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Nguyên nhân hình thành bệnh chính là căn cứ cơ bản để xác định bệnh tiểu đường type 1 và type 2   
Nguyên nhân hình thành bệnh chính là căn cứ cơ bản để xác định bệnh tiểu đường type 1 và type 2

2.3. Biểu hiện lâm sàng

Tiểu đường type 1 và type 2 cũng có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Bạn có thể dựa vào những dấu hiệu này để hỗ trợ quá trình chuẩn đoán bệnh.

  • Tiểu đường type 1: Bệnh sẽ có những dấu hiệu điển hình như: sụt cân nhanh chóng, ăn nhiều, uống nhiều, khát thường xuyên, đái nhiều. Điều này là do đường máu cơ thể tăng, thải lượng đường dư thừa trong máu qua thận, dẫn đến tình trạng người bệnh đi tiểu nhiều, gây mất nước và thường xuyên khát nước. Còn về dấu hiệu ăn nhiều hơn là do glucose đi ra ngoài cơ thể bằng đường tiểu mang theo nhiều calo khiến người bệnh nhanh đói. [4] Mất calo kết hợp với mất nước do tiểu nhiều cũng là một trong những yếu tố gây sụt cân.
  • Tiểu đường type 2: Bệnh tiểu đường type 2 sẽ diễn biến chậm, âm thầm và ít bộc lộ triệu chứng. Người bệnh thường chỉ phát hiện ra bệnh khi các dấu hiệu rõ ràng hoặc đi khám sức khỏe hay mắc một số biến chứng của bệnh như: mờ mặt, vết thương lâu lành, tim mạch… Các chứng bệnh này là do lượng đường trong máu tăng cao, gây nguy cơ tắc mạch máu dẫn đến các biến chứng tim mạch. Ngoài ra, người bệnh tiểu đường type 2 với đường huyết cao, làm suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng kém hơn, chức năng của các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào bị giảm sút. Các tế bào miễn dịch sinh ra bị suy giảm hoặc không có khả năng “tiêu diệt” vi khuẩn. Kết hợp với sự lưu thông tuần hoàn mạch máu giảm làm giảm lượng máu đưa đến vết thương, dẫn tới giảm khả năng nuôi dưỡng cũng như phục hồi vết thương kém, nên vết thương lâu lành. Có một số dấu hiệu sớm của bệnh có thể kể đến như: béo phì, thừa cân, da khô, ngứa, mệt mỏi, tê bì chân tay… Tình trạng này là do chỉ số đường huyết tăng cao khiến các vi mạch bị tổn thương, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nuôi các dây thần kinh và làm chân tay tê bì.
Tiểu đường type 1 sẽ có những biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết hơn so với tiểu đường type 2 
Tiểu đường type 1 sẽ có những biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết hơn so với tiểu đường type 2

2.4. Nhiễm ceton, tăng ceton trong máu và nước tiểu

Nhiễm ceton là tình trạng axit tích tụ trong máu của người bệnh. Khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong một thời gian dài mà cơ thể không có đủ lượng insulin để chuyển hóa glucose vào tế bào. Khi đó, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, dẫn tới sự tích tụ axit trong máu [5]. Sau đây là tình trạng nhiễm ceton trong máu và nước tiểu với bệnh tiểu đường type 1 và type 2:

  • Tiểu đường type 1: Kết quả nhiễm ceton trong máu và nước tiểu là dương tính, có trường hợp nhiễm ceton rất nặng. Nguyên nhân nhiễm ceton ở bệnh nhân tiểu đường type 1 là do di truyền hoặc bệnh tự miễn nên cơ thể  rất khó để điều chỉnh và kiểm soát lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu tăng cao và diễn ra trong thời gian dài mà cơ thể không có đủ insulin sẽ dẫn tới sự tích tụ axit trong máu.
  • Tiểu đường type 2: Thông thường kết quả nhiễm ceton trong máu và nước tiểu của người bệnh tiểu đường type 2 thường là âm tính. Vì nhiễm ceton trong máu chỉ xuất hiện khi lượng đường trong máu người bệnh luôn ở mức cao, trong thời gian dài. Người bệnh tiểu đường type 2 có thể điều chỉnh lượng đường trong máu ổn định nếu thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt nên tỷ lệ bị nhiễm ceton khá hiếm.
Kết quả nhiễm ceton trong máu sẽ hỗ trợ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh tiểu đường type 1, type 2 
Kết quả nhiễm ceton trong máu sẽ hỗ trợ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh tiểu đường type 1, type 2

2.5. Chỉ số C peptide – Đánh giá tình trạng kháng Insulin

C peptide là chỉ số nhận biết hàm lượng insulin trong máu. Để biết được chỉ số này người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm như: Kháng đảo tụy (ICA); Kháng Glutamic acid decarboxylase 65 (GAD 65); Kháng Insulin (IAA); Kháng Tyrosine phosphatase (IA-2); Kháng Zinc Transporter 8 (ZnT8). Thông qua chỉ số C peptide sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1, type 2 chính xác hơn.

  • Tiểu đường type 1: Chỉ số Peptide C ở tiểu đường type 1 thường ở mức thấp hoặc không đo được vì tuyến tụy không tiết ra insulin.
  • Tiểu đường type 2: Chỉ số Peptide bình thường hoặc tăng nhẹ vì người bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy vẫn được sản sinh insulin.

2.6. Phương pháp điều trị

Tiểu đường type 1 và type 2 sẽ có cách điều trị khác nhau, dựa vào cơ chế, nguyên nhân hình thành bệnh. Cụ thể:

  • Tiểu đường type 1: Với người bệnh tiểu đường type 1 bác sĩ sẽ chỉ định bắt buộc dùng insulin để kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể.
  • Tiểu đường type 2: Người bệnh tiểu đường type 2 được bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị là thay đổi lối sống, ăn uống khoa học, tập luyện thường xuyên. Nếu phương pháp này không hiệu quả, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thêm thuốc hạ đường huyết hoặc dùng thêm insulin nếu bị các biến chứng như: huyết áp cao, tim mạch, viêm võng mạc,…
Các cách để điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường type 2 như: chế độ ăn hợp lý, tập luyện thường xuyên,... 
Các cách để điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường type 2 như: chế độ ăn hợp lý, tập luyện thường xuyên,…

2.7. Cách ngăn ngừa bệnh

Tiểu đường ở thể nào cũng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người bệnh. Sau đây là những cách giúp bạn có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Tiểu đường type 1: Đây là thể bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng hiện không có cách nào giúp phòng ngừa bệnh lý này.

Tiểu đường type 2: Có thể phòng tránh hoặc hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường type 2 qua những cách như sau:

  • Thiết lập chế độ ăn uống khoa học: Bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung chất xơ vào các khẩu phần ăn. Cần hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
  • Tập thể dục đều đặn: Duy trì tập luyện thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, đốt cháy calo để kiểm soát cân nặng tốt và hạn chế tình trạng kháng insulin.

Như vậy, khi phân biệt chính xác tiểu đường type 1 và type 2 sẽ giúp bạn đánh giá chính xác tình trạng bệnh và là tiền đề quan trọng để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Chế độ ăn lành mạnh là một trong những phương pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 
Chế độ ăn lành mạnh là một trong những phương pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2

Hy vọng qua bài viết so sánh tiểu đường type 1 và type 2 trên đã giúp bạn phân biệt được 2 thể bệnh này và có được nhiều kiến thức hữu ích để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về bệnh tiểu đường, hãy liên hệ tới hotline 18006011 hoặc truy cập vào fanpage Glucare Gold – Dinh dưỡng y học cho người đái tháo đường để được giải đáp chi tiết.

BS CK II BÙI HỒNG THANH

5/5 - (1 vote)

Bác sĩ Chuyên khoa II  Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.

Quá trình đào tạo

  • 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
  • 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
  • Chứng chỉ dược lâm sàng
  • Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
  • Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản

Quá trình công tác

  • 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
  • 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
  • 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
  • 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *