Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường – Ghi nhớ để phòng tránh

4.5/5 - (4 votes)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.

Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là vấn đề y tế nghiêm trọng mà người bệnh tiểu đường có thể gặp phải. Những biến chứng này thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn và có thể đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp. Vì vậy dưới đây là thông tin chi tiết về biến chứng cấp tính tiểu đường để người bệnh có thể nhận biết và biết cách xử lý kịp thời.

1. Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng mức đường trong máu giảm xuống mức dưới ngưỡng bình thường (<70mg/dL hay 3.9mmol/L). Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường và cần được xử lý kịp thời.

Nguyên nhân hạ đường huyết ở người tiểu đường

  • Do sử dụng thuốc không đúng cách: Người bệnh tiểu đường sử dụng quá liều Insulin hoặc các thuốc gây hạ đường huyết.
  • Chế độ ăn uống: Bỏ bữa, không ăn đủ hoặc không ăn đúng giờ sau khi tiêm insulin hoặc uống thuốc. Người bệnh uống nhiều rượu.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Luyện tập quá mức mà không điều chỉnh liều Insulin hoặc tăng lượng Carbohydrate tiêu thụ phù hợp.
  • Do bệnh lý: Bất ổn về chức năng thận hoặc gan, gây sự suy giảm khả năng cơ thể xử lý insulin. Một số bệnh khác gây hạ đường huyết như nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết,…

Dấu hiệu của biến chứng:

  • Mức độ nhẹ: Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi. Nhịp tim người bệnh tăng, tim đập mạnh. Có thể xuất hiện tình trạng khó nói, nói chậm, hoảng loạn, kích thích, lo lắng hoặc tức giận.
  • Mức độ nặng: Các triệu chứng trên xuất hiện đột ngột. Đặc biệt các dấu hiệu về thần kinh biểu hiện rõ như đờ đẫn, cơn trầm cảm, hoặc kích động, hoang tưởng, ảo giác, mất ý thức, động kinh, cứng quai hàm, liệt nửa người.

Triệu chứng hạ đường huyết:

  • Triệu chứng kích thích thần kinh ban đầu: Đây là những triệu chứng xuất hiện sớm và phổ biến bao gồm run rẩy, chóng mặt, tim đập nhanh, cảm giác đói, đổ mồ hôi, da tái nhợt.
  • Triệu chứng do thiếu Glucose lên não: Khi lượng đường máu hạ quá thấp, không đủ cung cấp lên não, người bệnh có triệu chứng như nhức đầu, mờ mắt, nhìn đôi, khó nói, lú lẫn, rồi loạn nhân cách, thậm chí nếu tình trạng kéo dài có thể gây co giật, hôn mê và tử vong.
Dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết
Dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết

Biện pháp phòng ngừa biến chứng hạ đường huyết:

  • Tuân thủ sử dụng thuốc: Uống đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm soát đường huyết: Theo dõi và ghi lại mức đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt chú ý đến các thời điểm Glucose máu hạ thấp, điều này có thể góp phần giúp bạn xác định nguyên nhân và ngăn chặn nguy cơ hạ đường huyết.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đều đặn: Lập chế độ phù hợp, nhất quán, chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên trong ngày, tránh bỏ bữa và tránh ăn nhiều thức ăn chứa đường cùng một lúc.
  • Luyện tập phù hợp: Tập thể dục đều đặn và điều chỉnh liều insulin hoặc lượng carbohydrate tiêu thụ trước và sau khi tập.
  • Hạn chế uống rượu: Bởi rượu có thể gây hạ đường huyết chậm vài giờ sau khi uống.

Cách xử lý khi gặp biến chứng hạ đường huyết:

  • Tạm ngưng sử dụng các thuốc hạ đường huyết, Insulin.
  • Với hạ đường huyết nhẹ: Cho người bệnh ăn bánh, kẹo, hoa quả, uống sữa,…
  • Nếu không đỡ: Có thể cho uống nước đường (3 thìa cafe đường trong 100ml nước), hoặc uống 100 – 150ml nước nước ngọt, nước hoa quả. Đo lại đường huyết sau 15 phút.
  • Nếu tình trạng vẫn không đỡ, đường huyết đo lại dưới (<70mg/dL hay 3.9mmol/L) thì cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được điều trị.
  • Chú ý: Trường hợp người bệnh có biểu hiện hạ đường huyết nặng có hôn mê thì không được cho bệnh nhân ăn hay uống vì dễ gây sặc và cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là một biến chứng cấp tính ở người tiểu đường

Có thể bạn cần biết: Đái tháo đường và những biến chứng nguy hiểm – Nutricare

2. Tăng áp lực thẩm thấu

Tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng cấp tính, thường gặp hơn ở người tiểu đường type II, lớn tuổi. Đây là tình trạng rối loạn đường huyết nặng (lượng đường huyết trên 600mg/dL hoặc 33mmol/L), với đặc trưng là thay đổi tri giác (có thể lơ mơ, hôn mê), và áp lực thẩm thấu máu cao (trên 320 mOsm/L).

Nguyên nhân gây tăng áp lực thẩm thấu máu ở người tiểu đường:

  • Do bệnh: Nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu gây tăng Glucose máu quá mức.
  • Kém tuân thủ điều trị: Bỏ thuốc, không thực hiện theo kế hoạch điều trị bệnh.
  • Do thuốc: Thuốc lợi tiểu làm tăng mất nước có nguy cơ gây tăng áp lực thẩm thấu.

Dấu hiệu của biến chứng tăng áp lực thẩm thấu: 

  • Lượng đường trong máu cao hơn mục tiêu liên tục.
  • Xuất hiện các biểu hiện: khát nhiều, tiểu nhiều, thân nhiệt cao mà không ra mồ hôi.
Glucose
Glucose trong máu cao liên tục gây biến chứng tăng áp lực thẩm thấu

Triệu chứng của hội chứng tăng áp lực thẩm thấu ở người bệnh tiểu đường: Các triệu chứng có thể kéo dài hàng ngày đến cả tuần, trong đó: 

  • Sốt
  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn
  • Mất tầm nhìn, ảo giác
  • Co giật và hôn mê
  • Thậm chí có thể gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa biến chứng tăng áp lực thẩm thấu:

  • Kiểm soát tốt đường huyết: Uống thuốc đúng theo hướng dẫn, theo dõi đường huyết thường xuyên. Đặc biệt chú ý khi có nhiễm trùng.
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Nên ăn với liều lượng phù hợp, phối hợp nhịp uống thuốc và ăn uống cùng thời điểm giữa các ngày để giữ đường huyết ổn định.
  • Tập thể dục thường xuyên: Thực hiện các bài tập phù hợp như đi bộ khoảng 30 phút/ ngày giúp giữ đường huyết không tăng quá cao.

Xử trí khi gặp biến chứng: Người bệnh cần liên hệ với các bác sĩ, chuyên gia y tế sớm khi có các dấu hiệu của biến chứng để được xử trí kịp thời.

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng nặng, cấp tính ở người tiểu đường

Có thể bạn quan tâm:

3. Nhiễm toan Ceton

Nhiễm toan ceton là biến chứng cấp tính thường gặp ở người bệnh tiểu đường type I. Biến chứng xảy ra khi cơ thể người bệnh thiếu hụt Insulin, cơ thể lấy năng lượng bằng cách chuyển hóa chất béo làm tăng sản xuất quá nhiều Ceton (một loại chất từ quá trình chuyển hóa chất béo) và gây toan máu.

Nguyên nhân gây biến chứng nhiễm toan Ceton:

  • Thiếu hụt Insulin: Người tiểu đường type I ngừng sử dụng Insulin, hoặc sử dụng không đúng cách.
  • Do bệnh lý: Người bệnh mắc kèm các bệnh như nhiễm trùng, chấn thương, căng thẳng kéo dài, nhồi máu cơ tim, người có sử dụng một số biện pháp kích thích sản xuất hormon,… khiến gây ảnh hưởng tới hoạt động của Insulin.
  • Rượu: Người bệnh nghiện rượu, làm dụng chất kích thích.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Tác dụng phụ của một số thuốc như Corticoid, lợi tiểu.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiễm toan Ceton: Các biểu hiện của bệnh tiểu đường trên người bệnh tăng mạnh trầm trọng hơn:

  • Khát nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Mệt mỏi, sụt cân
  • Có thể đau bụng, buồn nôn
Đau bụng, buồn nôn
Đau bụng, buồn nôn là một trong những dấu hiệu của nhiễm toan Ceton

Triệu chứng của biến chứng nhiễm toan Ceton: Ngoài các triệu chứng kể trên, người bệnh có thể gặp phải:

  • Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh
  • Hạ thân nhiệt
  • Đau bụng
  • Sau đó xuất hiện tình trạng lơ mơ, hôn mê
  • Hơi thở có mùi táo chín

Biện pháp phòng ngừa nguy cơ gặp biến chứng nhiễm toan Ceton:

  • Kiểm soát tốt đường huyết: Tuân thủ sử dụng thuốc, không tự ý giảm liều, bỏ thuốc. Tập sử dụng tiêm Insulin đúng cách. Theo dõi đường huyết thường xuyên.
  • Theo dõi Ceton nước tiểu: Thực hiện kiểm tra Ceton niệu theo chỉ định của bác sĩ.
  • Lối sống lành mạnh: Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể dục thường xuyên.

Xử trí: Khi xuất hiện các dấu hiệu và nghi ngờ mắc biến chứng nhiễm toan Ceton, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán xác định để có hướng điều trị hiệu quả, kịp thời.

Biến chứng nhiễm toan Ceton
Đường huyết cao, kéo dài liên tục có nguy cơ cao gây biến chứng nhiễm toan Ceton

Tìm hiểu thêm:

4. Nhiễm toan Lactic

Nhiễm toan Acid lactic là tình trạng xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều, hoặc giảm thải trừ Acid lactic và dẫn đến tăng nồng độ Acid trong máu. Đây là một biến chứng hiếm gặp ở người tiểu đường, thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type II được điều trị bằng Metformin.

Nguyên nhân gây biến chứng nhiễm toan Acid lactic ở người tiểu đường 

  • Tích lũy Metformin: Thường gặp ở người tiểu đường có kèm theo suy thận, gây giảm đào thải Metformin. Lượng chất bị tích lũy lại này có tác động ức chế tân tạo Glucose từ Lactat, làm tăng lượng Lactat trong cơ thể. Ngoài ra, Metformin còn tăng thoái hóa đường tạo ra nhiều sản phẩm Lactat ở ruột.
  • Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác: Sốc, suy gan, suy thận, nghiện rượu, nhịn ăn dài ngày, nhiễm Ceton,…

Dấu hiệu nghi ngờ mắc biến chứng nhiễm toan Lactic:

  • Chuột rút
  • Yếu cơ, đau cơ, nhược cơ nặng
  • Đau vùng bụng hoặc ngực
Nhiễm toan Lactic
Nhiễm toan Lactic là biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm ở người bệnh tiểu đường

Triệu chứng nhiễm toan Acid Lactic ở người bệnh tiểu đường: Ngoài xuất hiện những biểu hiện trên người bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng sau:

  • Nhịp tim nhanh, hoặc loạn nhịp, chậm nhịp
  • Giảm nhận thức, lú lẫn
  • Suy nhược cơ thể, kiệt sức
  • Đau đầu
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Vàng da và niêm mạc

Biện pháp phòng ngừa biến chứng nhiễm toan Lactic:

  • Tuân thủ điều trị: Sử dụng thuốc Metformin theo đúng liều lượng và thời điểm dùng được hướng dẫn.
  • Kiểm tra chức năng thận định kỳ: Người bệnh có chức năng thận bình thường cần đánh giá chức năng thận ít nhất 1 lần/ năm. Người bệnh có nguy cơ suy thận, cao tuổi cần đánh giá 2 lần/ năm.

Xử trí: Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm toan Lactic ở người bệnh tiểu đường cần tạm ngưng điều trị bằng Metformin rồi liên hệ đến cơ sở y tế để được xác định nồng độ Lactic trong máu và có hướng điều trị kịp thời.

Qua những thông tin trên ta có thể thấy, lượng đường huyết cao là một nguy cơ hàng đầu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở người tiểu đường. Để kiểm soát tốt đường huyết mà vẫn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh, bạn có thể tham khảo sản phẩm dinh dưỡng y học Sữa Glucare Gold cho người tiểu đường.

Đây là sản phẩm sữa có chỉ số đường huyết thấp đã được chứng minh lâm sàng giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Hệ đường hấp thu chậm (Isomaltulose, Erythritol) tiên tiến được chứng nhận hiệu quả kiểm soát đường huyết sau uống. Sữa bổ sung cho người tiểu đường 56 dưỡng chất cùng Đạm thực vật, đạm Whey từ Mỹ giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch. Omega 3,6,9 & Antioxidants – hỗ trợ giảm biến chứng tim mạch & phòng ngừa đột quỵ.

sữa Glucare Gold
Sữa Glucare Gold – ổn định đường huyết, tăng cường sức khỏe cho người tiểu đường

Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là biến chứng nghiêm trọng xảy ra nhanh, đột ngột và có thể để lại hậu quả nặng nề. Vì vậy hãy nắm rõ những thông tin trong bài viết trên để có thể phòng ngừa và biết cách xử trí đúng nhất.

Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào về dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường hãy truy cập fanpage Nutricare hoặc gọi tới hotline 18006011 để nhận được tư vấn miễn phí, trực tiếp bạn nhé! Bạn cũng có thể ghé thăm trang web của Nutricare Thương hiệu Quốc gia Dinh dưỡng Y học để nhận được những thông tin về sức khỏe bổ ích và cập nhật mỗi ngày.

 

Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

BS CK II BÙI HỒNG THANH

4.5/5 - (4 votes)

Bác sĩ Chuyên khoa II  Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.

Quá trình đào tạo

  • 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
  • 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
  • Chứng chỉ dược lâm sàng
  • Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
  • Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản

Quá trình công tác

  • 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
  • 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
  • 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
  • 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
4.5/5 - (4 votes)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment