Làm sao để hạn chế tối thiểu biến chứng ở người bị tiểu đường.

5/5 - (1 vote)

Mục tiêu hàng đầu trong việc điều trị bệnh tiểu đường đó chính là hạn chế biến chứng có thể xảy ra. Để làm được điều đó thì việc theo dõi đường huyết thường xuyên là điều thiết yếu cần phải làm. Do đó, ta phải lưu ý một số nguyên tắc cơ bản để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.

Như chúng ta đã biết, đái tháo đường trông có vẻ không nguy hiểm cho đến khi xuất hiện những biến chứng mãn tính về lâu dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Tùy vào từng đối tượng mà chúng ta có những mục tiêu chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên mục tiêu chung cho mọi đối tượng vẫn là kiểm soát lượng đường huyết, để đường huyết không tăng cao quá mà cũng không hạ quá mức. Theo như khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng thì ta có một số nguyên tắc cơ bản sau:

Tăng cường chất xơ trong mỗi bữa ăn.

Chất xơ sợi có vai trò làm chậm hấp thu đường vào máu. Vì thế tăng cường chất xơ ở người bệnh tiểu đường luôn được khuyến nghị ở bệnh nhân mắc đái tháo đường nói chung. Tùy vào mức năng lượng nạp vào cơ thể mà ta có lượng chất xơ khuyến nghị tương ứng. Tuy nhiên đối với hầu hết mọi người, ăn một bát con rau lá xanh trước khi ăn cơm có thể làm cho đường máu sau ăn không tăng vọt.

 width=

Chất xơ sợi luôn được khuyến nghị bởi những lợi ích vô cùng to lớn nó đem lại

Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI).

Chỉ số đường huyết của thực phẩm nào càng thấp thì thực phẩm đó làm tăng đường huyết càng chậm. Ngược lại, các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng nhanh và tăng cao đường máu. Trong số các loại thực phẩm có chứa chất đường bột thường dùng thì những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là: gạo lứt, bánh mỳ đen, ngũ cốc xay xát dối,…Ngoài ra với những thực phẩm chế biến sẵn như sữa và bánh ngọt thì người bệnh nên chọn những thực phẩm dành cho người đái tháo đường, thực phẩm mà trong đó có chứa chất xơ hòa tan và các loại đường chậm giúp cho đường huyết tăng chậm và không bị quá cao sau bữa ăn.

 width=

Thực phẩm có chỉ số GI thấp rất tốt cho người tiểu đường

Hạn chế chất béo bão hòa và giảm muối trong khẩu phần.

Chất béo bão hòa hay còn gọi là chất béo no cùng với muối là hai thứ có khả năng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng về tim mạch. Do đó, cần giảm tới mức tối thiểu có thể. Chất béo bão hòa có trong phủ tạng động vật, mỡ động vật. Ngoài ra, dầu ăn dùng nhiều lần cũng sinh ra chất béo không tốt cho cơ thể nên người bệnh cần chú ý cả cách chế biến món ăn làm sao cho đúng. Lượng muối ở người đái tháo đường chưa có biến chứng về tim mạch được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là dưới 6g một ngày.

Chia bữa ăn hợp lý và chú ý ăn đúng bữa.

Bữa ăn của người bệnh tiểu đường cần được chia ra làm nhiều bữa để tránh trường hợp ăn quá nhiều vào một bữa khiến cho đường huyết tăng cao sau ăn và tụt đường huyết lúc đói. Trong đó, tổng năng lượng của một ngày được chia đều cho các bữa: bữa chính vẫn phải đủ 3 bữa sáng, trưa và tối, cộng thêm với từ 1 đến 3 bữa phụ. Ngoài ra việc ăn đúng bữa đúng giờ rất quan trọng vì nó có liên quan đến việc sử dụng thuốc insulin.

 width=

Ăn đúng bữa kết hợp thử đường huyết thường xuyên là điều rất quan trọng

Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp.

Để ngăn ngừa biến chứng hoặc làm chậm đến mức tối thiểu sự phát triển các biến chứng mạn tính của đái tháo đường thì ngoài việc thay đổi chế độ ăn ta còn phải có một lối sống lành mạnh. Bằng việc tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cho bộ máy trong cơ thể người bệnh làm việc hiệu quả hơn đồng thời lại có hiệu quả rất tốt trong việc giảm cân ở bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân béo phì.

Tài liệu tham khảo:

American Diabetes Association (2008). Nutrition recommendations and interventions for diabetes.

Minh Hải

5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment