Ăn gì để tránh tiểu đường thai kỳ? 10+ thực phẩm nên và không nên ăn
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
Gần 10% phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Căn bệnh này gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, mang đến nhiều rủi ro khi mang thai và sinh nở. Vậy mẹ bầu nên ăn gì để tránh tiểu đường thai kỳ? Nên hạn chế thực phẩm nào để tránh rủi ro? Hãy cùng Nutricare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Chế độ ăn lành mạnh phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Khi mang thai, quá trình trao đổi chất trong cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi. Do đó, người mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, vừa tránh làm lượng Glucose trong máu tăng vượt mức bình thường. Để giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên lưu ý:
- Chia nhỏ 5 – 6 bữa, ăn đủ bữa mỗi ngày: Nhu cầu dinh dưỡng khi mang thai thường tăng lên, nhưng nếu ăn quá nhiều trong 1 bữa có thể khiến lượng đường trong máu tăng quá cao. Do đó mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và không nên bỏ bữa.
- Hạn chế đồ ngọt: Đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt… chứa nhiều đường tinh luyện có thể làm tăng lượng Calorie mà không mang đến nhiều dinh dưỡng. Nếu thèm đồ ngọt bạn có thể lựa chọn các thực phẩm có vị ngọt tự nhiên như trái cây giúp giữ cho lượng đường trong máu duy trì ổn định.
- Nên bổ sung chế độ ăn đa dạng để các loại dưỡng chất được cung cấp đầy đủ, cân bằng nhất.
- Bổ sung nhiều chất xơ: Chất xơ mang lại nhiều tác dụng có lợi cho mẹ bầu như: ngăn ngừa táo bón, giúp kiểm soát cân nặng và đặc biệt hỗ trợ giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm:
Bị tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì? 8+ thực phẩm cần tránh
2. Thực phẩm tốt cho mẹ bầu, ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng nhiều tới lượng đường trong máu. Để ngăn ngừa mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên bổ sung vừa đủ những thực phẩm sau:
2.1. Thực phẩm giàu Protein (chất đạm)
Protein (chất đạm) là thành phần quan trọng để cấu tạo nên tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể,… Vì vậy, Protein rất cần thiết trong quá trình phát triển thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ cả nguồn đạm từ động vật và thực vật.
Một số thực phẩm giàu Protein tốt cho mẹ bầu:
- Protein nguồn gốc động vật: Thịt lợn nạc, thịt bò, cá, trứng, ức gà, tôm, thủy sản, sữa chua, phô mai, sữa (không đường)…
- Protein nguồn gốc thực vật: Đậu xanh, đậu tương, vừng lạc, bơ đậu phộng…
Hàm lượng: Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, khi mang thai mẹ bầu nên bổ sung khoảng 70 – 100g Protein/ ngày (lượng Protein tăng dần trong quá trình mang thai).
2.2. Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ là thành phần mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ bầu. Bổ sung đủ lượng chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm nguy cơ táo bón, tiền sản giật, hỗ trợ giảm cân và ngăn ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Khuyến nghị của Hiệp hội Thai kỳ Mỹ cho biết, phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 25 – 30g chất xơ mỗi ngày.
Một số thực phẩm giàu chất xơ giúp hỗ trợ giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ:
- Rau giàu chất xơ: Các loại rau cải, bông cải xanh, bí đao, khoai lang, đậu lăng, đậu Hà Lan, măng tây, dưa leo,…
- Trái cây giàu chất xơ: Quả cam, chuối, táo, bơ, mâm xôi, lựu, nho, xoài…
- Ngũ cốc, hạt giàu chất xơ: Gạo lứt, yến mạch, hạnh nhân, hạt óc chó, hồ đào, đậu đen,…
2.3. Cung cấp đủ lượng bột đường (Carbohydrate)
Chất bột đường (Carbohydrate) là thành phần tạo ra năng lượng chính cho hoạt động cơ thể. Tuy nhiên nếu bổ sung quá nhiều thì phần dư thừa của chất bột đường có thể trở thành tác nhân làm tăng nguy cơ tăng lượng đường trong máu.
Vì vậy, phụ nữ có thai chỉ nên bổ sung khoảng 175 – 210g Carbohydrate/ ngày.
Để tốt cho sức khỏe mẹ bầu và giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, bạn nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm chứa chất bột đường có chỉ số đường huyết thấp như: Gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, bột yến mạch,…
2.4. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa
Chất béo tham gia nhiều vào quá trình giúp hình thành và phát triển mắt và trí não của thai nhi. Bổ sung thực phẩm chứa chất béo còn có vai trò cung cấp năng lượng, là môi trường chuyển hóa của nhiều loại Vitamin quan trọng, bổ sung nhiều Acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tạo ra được,…
Chuyên gia y tế khuyên mẹ bầu chỉ nên bổ sung lượng chất béo với khoảng 20 – 35% tổng lượng Calo.
Có hai nhóm chất béo chính: chất béo không bão hòa và chất béo bão hòa. Mẹ bầu nên ưu tiên bổ sung chất béo không bão hòa nhiều hơn, do tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng Cholesterol xấu trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch,…
Một số thực phẩm chứa chất béo không bão hòa: Cá, dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu tương, dầu hướng dương, các loại hạt, hạt lanh, đậu,…
2.5. Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là thành phần không thể thiếu cho một chế độ ăn lành mạnh. Nhiều bác sĩ khuyên mẹ bầu nên bổ sung các hoạt chất này trước, trong và sau khi sinh để giúp bé phát triển khỏe mạnh và hỗ trợ có thể mẹ phục hồi nhanh chóng sau sinh, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nhu cầu của một số Vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu:
Thành phần | Nhu cầu dinh dưỡng/ ngày | Thực phẩm nên bổ sung |
Sắt | 45mg | Thịt đỏ, cá, thịt gia cầm trứng, đậu, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt,… |
Canxi | 1000mg | Sữa, sữa chua, phô mai, rau lá xanh, các loại hạt, cá mòi,… |
Vitamin B9 | 400mcg | Bánh mì, gạo, ngũ cốc, mì ống,… |
Vitamin D | 600IU | Cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa,… |
Vitamin C | 85mg | Cam, quýt, dây tây, cà chua, bông cải xanh,… |
Có thể bạn quan tâm: 5 tiêu chí lựa chọn và danh sách đồ ăn vặt cho bà bầu bị tiểu đường đầy đủ nhất
3. Thực phẩm làm gia tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ nên tránh
Một nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu đường thai kỳ đó là sự thay đổi Hormone trong cơ thể mẹ khi mang thai. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất Insulin và điều hòa Glucose. Do đó để làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, chế độ ăn của mẹ bầu nên hạn chế một số thực phẩm không tốt và làm tăng nhanh Glucose máu sau:
- Thực phẩm có hàm lượng đường cao: Mẹ bầu không nên ăn quá nhiều thực phẩm có thể làm tăng nồng độ đường huyết máu như: bánh kẹo, kem, chè, socola,…
- Mỡ động vật: Mỡ động vật chứa chất béo bão hòa có nguy cơ làm tăng Cholesterol xấu, tăng nguy cơ béo phì, nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Do đó mẹ bầu hạn chế tiêu thụ: mỡ heo, da động vật, thịt chế biến, pate,…
- Đồ ăn nhanh, chế biến sẵn: Những thực phẩm này thường có hàm lượng Calo và chất béo cao, có thể làm tăng đường máu nhanh chóng sau khi ăn. Vì vậy mẹ bầu nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm như mì hộp, snack ăn vặt, khoai tây chiên,…
Tìm hiểu thêm:
- Chế độ ăn uống cho bệnh tiểu đường thai kỳ: Nên và không nên ăn gì?
- Tiểu đường thai kỳ ăn sáng bằng gì tốt cho cả mẹ và bé con?
4. Biện pháp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ khác
Bên cạnh thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ khác sau:
- Luyện tập thể dục phù hợp: Mẹ bầu nên thực hiện một số hoạt động vận động nhẹ mỗi ngày như 30 phút đi bộ, tập yoga cho bà bầu, làm việc nhà,… Việc thực hiện vận động giúp tăng lưu thông tuần hoàn máu ngoài ra còn hỗ trợ Insulin hoạt động hiệu quả hơn giúp ổn định lượng đường trong máu.
- Lưu ý tới cân nặng: Mẹ bầu tăng cân khi mang thai là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên nếu cân nặng tăng quá nhanh và quá cao thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu có thể hỏi bác sĩ về tiêu chuẩn cân nặng hợp lý mỗi khi khám thai và theo dõi cân nặng thường xuyên, tránh ăn quá nhiều và duy trì mức cân nặng hợp lý.
- Kiểm tra đường huyết định kỳ: Theo dõi đường huyết đều đặn mỗi lần khám thai giúp bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về chế độ ăn và phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ.
Hy vọng những thông tin cung cấp trong bài sẽ phần nào giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Ăn gì để tránh tiểu đường thai kỳ?”. Chế độ ăn uống là một yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể ghé thăm trang web của sản phẩm sữa Glucare Gold để tham khảo một trong những sản phẩm tốt nhất cho việc bổ trợ sức khỏe trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Nutricare luôn sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp và tư vấn các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe cho bạn và những người thân yêu.
Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *