Hiện Tượng Không Dung Nạp Sữa Và Lợi Ích Của Sữa Chua.

5/5 - (1 vote)

Bản chất của hiện tượng không dung nạp được sữa là do người sử dụng không tiêu hóa được thành phần đường lactose trong sữa, đặc biệt là sữa bò. Biểu hiện của không dung nạp sữa thường xuất hiện sau khi sử dụng sản phẩm sữa từ 30 phút đến 2 giờ. Các biểu hiện thường gặp là cảm giác khó chịu, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, và có thể buồn nôn.

Đa số trẻ em có thể tiêu hóa được sữa bò. Tuy nhiên, sau 2 tuổi, cơ thể trẻ giảm tiết men tiêu hóa lactose nên hầu hết trẻ em tiêu hóa được sữa bò khi còn nhỏ, nhưng sẽ mất dần khả năng này vào cuối tuổi dậy thì và trưởng thành. Vì thế người càng nhiều tuổi càng tăng nguy cơ không dung nạp được lactose trong sữa. Người châu Á bị nhiều hơn người da trắng. Trẻ sinh non không dung nạp được lactose nhiều hơn trẻ sinh đủ tháng. Một số trẻ không tiệu hóa được sữa bò từ nhỏ do yếu tố di truyền, tế bào màng ruột của trẻ không tiết đủ men tiêu hóa lactose. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp phải vấn đề này do các tổn thương tại ruột non thường xuất hiện sau một đợt bị tiêu chảy nặng, hoặc bị bệnh phải điều trị bằng hóa trị liệu.

Hiện Tượng Không

Hiện tượng không dung nạp được sữa có thể xác định qua các trải nghiệm của bản thân khi sử dụng các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, 2 phương pháp thông dụng nhất để xác định chính xác là kiểm tra lượng khí hydro qua hơi thở, hoặc kiểm tra độ axit trong phân. Hai phương pháp này thường được sử dụng để phân biệt giữa không dung nạp được sữa và dị ứng sữa để tư vấn chế độ ăn phù hợp cho người sử dụng. Thực tế, với đa số các trường hợp có biểu hiện này, bác sỹ hoặc nhà dinh dưỡng kinh nghiệm có thể thông qua tiểu sử ăn uống và triệu chứng để xác định người gặp phải vấn đề không dung nạp sữa mà không phải sử dụng đến một trong hai phương pháp trên.

Sữa và chế phẩm từ sữa giàu can-xi và các chất dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, nên thường xuyên sử dụng các sản phẩm sữa. Với người không dung nạp sữa, có thể cải thiện khả năng dung nạp lactose bằng cách tập sử dụng từng ít sữa mỗi lần và tăng dần lượng sữa khi cơ thể đã chấp nhận. Như vậy, ở người có hệ thống tế bào màng ruột khỏe mạnh, lượng men lactaza sẽ được kích thích, tăng tiết dần dần. Nên dùng sữa cùng bánh, hoặc đồ ăn để làm lactose được giữ lại ở dạ dày lâu hơn và bị tiêu hóa từ từ.

Tài liệu hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ xuất bản năm 2005 khuyến nghị người không dung nạp được lactose nên sử dụng sữa chua hoặc phô mai cứng để cơ thể vẫn đảm bảo được nhu cầu đối với một số thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là lượng can-xi do sữa cung cấp.

Sữa chua là sản phẩm phù hợp với người không dung nạp được lactose ở Việt Nam. Sữa chua cung cấp đủ các thành phần dưỡng chất quý giá của sữa tươi, gồm đạm, béo, chất bột đường và các vi chất dinh dưỡng quan trọng như magiê, phosphor, các vitamin A, D, B2, B12 … đặc biệt là sữa chua có hàm lượng calci rất cao. Trong sữa chua, đường lactose đã bị các vi khuẩn lên men trong quá trình chế biến, chuyển hóa thành axit lactic có vị chua, có tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn, thúc đẩy nhu động ruột, giúp ăn ngon miệng, ăn nhiều hơn, phòng chống được chứng táo bón. Sữa chua có thể được bổ sung thêm lợi khuẩn (probiotics) hoặc chất xơ hòa tan GOS, FOS, scFOS (prebiotics). Các sản phẩm này có thêm tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể, đề phòng rối loạn tiêu hóa, chống tiêu chảy, táo bón, cải thiện sức khỏe cho mọi người, nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Hơn nữa, trong cơ cấu khẩu phần ăn của người Việt, sữa chua cũng dễ đưa vào bữa ăn phụ hơn là phô mai và các sản phẩm khác của sữa.

Không dung nạp sữa là hiện tượng cơ thể không tiêu hóa được đường Lactose.Men Lactaza do các tế bào màng ruột non tiết ra giúp cơ thể tiêu hóa đường Lactose trong sữa.

Hầu hết những người không dung nạp sữa đều có thể tiêu hóa một lượng nhỏ đường Lactose mà không bị triệu chứng gì.

Dị ứng sữa thường xuất hiện ngay từ năm đầu đời, nhưng không dung nạp sữa thường chỉ phổ biến ở người trưởng thành.

Điều tra dinh dưỡng của Hoa Kỳ cho thấy sản phẩm sữa cung cấp tới 72% tổng lượng Can-xi trong khẩu phần ăn.

Ths. BS. Nguyễn Đức Minh

5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment