Bị gãy xương có nên uống canxi không? Uống thế nào cho phù hợp?
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh – Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare
Canxi là một trong những dưỡng chất quan trọng để phát triển và hồi phục xương. Vậy người bệnh bị gãy xương có nên uống canxi không và uống thế nào cho phù hợp? Hãy cùng Nutricare đi tìm câu trả lời với bài viết sau đây và sử dụng canxi đúng cách, giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo và phục hồi xương.
1. Bị gãy xương có nên uống canxi không?
Canxi là một dưỡng chất quan trọng, góp phần vào việc xây dựng và củng cố cấu trúc xương. Do đó, người bệnh bị gãy xương CÓ nên bổ sung canxi để xương mau lành vì lượng canxi bổ sung qua thực đơn hàng ngày có thể là chưa đủ. Canxi bổ sung cho người bệnh có thể dưới dạng viên uống hoặc dịch uống với lượng phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân. Người bệnh nên sử dụng canxi cho tới khi xương lành hoàn toàn, trở nên vững chắc thì dừng bổ sung. [1]
2. Hàm lượng canxi phù hợp cho người gãy xương
Bổ sung canxi cho người bệnh bị gãy xương là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu cơ thể dung nạp quá nhiều canxi có thể gây nên những bất thường ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung canxi theo đúng nhu cầu và phụ thuộc vào thể trạng, độ tuổi của từng người. Cụ thể:
Nam giới
- Từ 19 – 50 tuổi: cần bổ sung 1.000 – 2.500 mg mỗi ngày.
- Từ 51 – 70 tuổi: cần bổ sung 1.000 – 2.000 mg mỗi ngày.
- Người từ 71 tuổi trở lên: cần bổ sung 1.200 – 2.000 mg mỗi ngày.
Nữ giới
- Từ 19 – 50 tuổi: nhu cầu từ 1.000 – 2.500 mg mỗi ngày.
- Người từ 51 tuổi: nhu cầu 1.200 – 2.000 mg mỗi ngày. [1]
Lưu ý: Trên đây là lượng canxi cần thiết bổ sung trong 1 ngày bao gồm cả lượng canxi trong thực phẩm và canxi thông qua thuốc bổ sung. Do đó, nếu bạn uống canxi qua thuốc bổ sung thì nên cân đối lượng canxi qua thực phẩm cho phù hợp, tránh dư thừa. Nếu bổ sung dư thừa canxi có thể gây nên một số tác dụng phụ nghiêm trọng như sỏi thận, suy thận. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc canxi để đảm bảo tốt nhất.
3. Dinh dưỡng của người bệnh bị gãy xương
Ngoài việc uống các loại thuốc canxi người bệnh bị gãy xương cũng nên chú trọng về ăn uống, để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Sau đây là những thực phẩm nên ăn và những thực phẩm cần hạn chế với người bệnh bị gãy xương:
3.1. Những thực phẩm tốt cho người bệnh gãy xương
Thực phẩm cho người bệnh gãy xương cần chứa các dưỡng chất quan trọng sau:
- Giàu Canxi: Hàm lượng canxi không chỉ bổ sung qua đường uống mà có thể bổ sung qua các thực phẩm giàu canxi như: rau xanh họ cải, hạnh nhân, rong biển, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa,…
- Giàu đạm (protein): Protein là dưỡng chất quan trọng để tái tạo các mô cơ, sụn khớp giúp các khớp xương linh hoạt, để người bệnh vận động thoải mái hơn. Người bệnh nên lựa chọn các loại thịt giàu protein nhưng ít cholesterol như: thịt cá, thịt nạc, ức gà,…
- Vitamin D: Đây là dưỡng chất nuôi xương chắc khỏe và là chất “xúc tác” để cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Người bệnh có thể bổ sung vitamin D theo 3 cách: tắm nắng (vào khoảng từ 6 – 8 giờ sáng và từ 16 – 18 giờ chiều), dạng viên uống hoặc từ thực phẩm (như cá biển, sữa, gan, lòng đỏ trứng gà,…).
- Sắt: Là dưỡng chất quan trọng để sản xuất các tế bào hồng cầu, giúp phục hồi những tổn thương mô quanh xương. Bên cạnh đó, sắt cũng là một thành phần quan trọng để tái tạo collagen cơ thể, xây dựng xương chắc khỏe hơn. Bạn có thể bổ sung sắt qua những thực phẩm như sữa, trứng, thịt bò, các loại rau màu xanh đậm,…
- Vitamin A và C: Vitamin A giúp tái tạo vết thương trên da để phần mô thịt quanh vết thương sớm lành. Còn vitamin C là chất chống oxy hóa, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào vết thương để quá trình hồi phục nhanh chóng. Những thực phẩm giàu vitamin A, C mà người bệnh có thể thêm vào thực đơn hàng ngày như: khoai lang, cà rốt, cải xoăn, cam, quýt,…[1]
3.2. Những thực phẩm cần tránh với người bệnh bị gãy xương
Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung, người bệnh bị gãy xương cần hạn chế các loại đồ ăn sau:
Tránh thực phẩm làm giảm hấp thu canxi
Những thực phẩm chứa nhiều phytate, oxalate, cafe, muối, đồ uống có cồn có thể làm giảm hấp thu canxi, khiến quá trình lành xương bị gián đoạn.
- Thực phẩm chứa phytates, oxalat: Những hợp chất này có xu hướng liên kết với canxi, làm giảm lượng canxi hấp thu vào cơ thể. Thực phẩm chứa nhiều phytates như: lúa mì nguyên hạt, gạo nâu…; thực phẩm chứa nhiều oxalat như: của cải trắng, cải bó xôi…
- Thực phẩm chứa caffeine: Các loại đồ uống như cafe, trà xanh chứa nhiều caffeine có thể cản trở quá trình hấp thu canxi ở thận và ở ruột. Điều này khiến cơ thể thiếu hụt canxi và xương lâu lành hơn.
- Muối: Ăn nhiều đồ ăn mặn, thận sẽ phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ muối ra khỏi cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh phải đi tiểu nhiều hơn và thải ra nhiều canxi qua nước tiểu. Khi đó, cơ thể thiếu hụt canxi và ảnh hưởng tới quá trình lành xương.
- Đồ uống có cồn: Uống nhiều rượu bia sẽ làm các chức năng tuần hoàn của cơ thể bị giảm sút, hiệu quả hấp thu canxi của cơ thể cũng bị suy giảm theo. Do đó, người bệnh bị gãy xương sử dụng rượu, bia sẽ khiến vết thương lâu hồi phục. [2]
Tránh thực phẩm gây viêm
Những thực phẩm chứa nhiều đường, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng lượng đường trong máu hoặc gây cản trở quá trình lưu thông của máu. Khi đó, các tế bào máu di chuyển tới vết thương để chữa lành bị ảnh hưởng, khiến vết thương có thể bị viêm, kéo dài thời gian chữa lành xương. Do đó, người bệnh bị gãy xương cần hạn chế các đồ ăn như: các loại bánh ngọt, đồ ăn chiên rán, thịt xông khói… [2]
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bị gãy xương có nên uống canxi không và sử dụng canxi với lượng phù hợp. Đừng quên bổ sung thêm canxi và các dưỡng chất cần thiết khác qua chế độ ăn uống hàng ngày để cơ thể sớm hồi phục, xương mau lành.
Để tìm hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gãy xương, bạn hãy liên hệ tới số hotline 18006011 hoặc truy cập vào Nutricare Bone – Xương khớp chắc khỏe – Tăng cường khối cơ để được nhân viên tư vấn tận tình!
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *