Cảnh báo mới nhất về loãng xương: Căn bệnh thầm lặng, nguy hiểm

5/5 - (1 vote)

Hiện nay, ở nước ta chưa có một điều tra dịch tễ học đầy đủ để xác định chính xác tỷ lệ loãng xương chung cho cả nam và nữ. Do vậy, mọi người vẫn chưa ý thức được rằng bệnh loãng xương diễn biến thầm lặng và các hậu quả của loãng xương gây ra như gãy xương, nứt xương, lún đốt sống… thường rất nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

 width=

(Nguồn: Internet)

Những con số biết nói

Loãng xương hiện được nhận định là khủng hoảng sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người, gây khoảng 9 triệu ca gãy xương mỗi năm. Đến năm 2050 trên toàn cầu sẽ có tới 21,3 triệu ca gãy xương vùng hông mỗi năm, trong đó có tới 80-90% bệnh nhân bị gãy xương do không được điều trị. Những con số cho thấy vấn đề loãng xương rất đáng báo động.

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 3,6 triệu người bị bệnh loãng xương, tuy nhiên con số thật có thể cao hơn rất nhiều vì còn nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán. Đây là một bệnh của cộng đồng, mạn tính, nguy hiểm và gia tăng. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, loãng xương trở thành một vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu vì ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ loãng xương tuổi mãn kinh.

Mặc dù đã có những cách tiếp cận an toàn, hiệu quả trong phòng ngừa chuẩn đoán, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh hiệu quả, việc thiếu chẩn đoán, thiếu điều trị còn rất phổ biến tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác. Nghiên cứu gần đây nhất về loãng xương ở Việt Nam được đăng trên Thư viện Khoa học công cộng về Sức khỏe thế giới (PLOS Global Public Health) do Duy Hoàng cùng cộng sự  thực hiện (2021) đã ước tính tỷ lệ nam và nữ từ 50 tuổi trở lên được xếp vào nhóm “nguy cơ cao” đối với gãy xương và đủ điều kiện để được điều trị chống gãy xương. Sử dụng các tiêu chí khuyến nghị của Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ ( NOF), có tới 49% phụ nữ và 35% nam giới đủ điều kiện để điều trị. Nghiên cứu này cho thấy gần một nửa số phụ nữ và hơn một phần ba nam giới từ 50 tuổi trở lên ở Việt Nam đáp ứng các tiêu chí của NOF về điều trị loãng xương. Phát hiện này có thể giúp xây dựng các hướng dẫn điều trị loãng xương ở Việt Nam, nhằm giúp điều trị và phòng bệnh từ sớm.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương thường xảy ra ở các nhóm đối tượng sau đây:

  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.
  • Yếu tố tuổi và giới tính: Những người tuổi càng cao thì mật độ xương càng giảm. Khi bước qua tuổi trung niên, các nội tiết tố giảm, quá trình tạo xương không còn sung mãn như trước, đồng thời quá trình hủy xương tăng lên và lấn lướt làm cho xương bị mất đi, và xốp hơn. Các nghiên cứu chỉ ra nữ giới có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới, mật độ xương ở nam giới sau 50 tuổi giảm 0.4%/ năm trong khi phụ nữ từ những năm 30 tuổi mật độ xương giảm 0.75-1%/ năm và giảm gấp 3 lần sau mãn kinh.
  • Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu calci hoặc tỷ lệ calci/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D
  • Người có chỉ số khối cơ thể thấp, chỉ số BMI ≤ 18.5 kg/m2
  • Những người hút thuốc lá và thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê 
  • Những người có lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực, nằm bất động lâu ngày.
  • Các bệnh nhân mắc một số bệnh lý có thể gây loãng xương như thiểu năng tuyến sinh dục nam và nữ; bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận; bệnh mạn tính đường tiêu hóa làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protein,… và bệnh suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo.

Xem thêm:

Loãng xương – Căn bệnh diễn biến âm thầm 

Bệnh loãng xương hay được gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ xương thấp, điều này làm suy giảm cấu trúc của xương, khiến xương ngày càng giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù bị chấn thương nhẹ. 

 width=

Bệnh loãng xương xảy ra khi mật độ các chất tạo xương bị giảm đi (Nguồn: Internet)

Quá trình suy giảm xương diễn ra một cách âm thầm, hoàn toàn không có triệu chứng khi mới mắc. Chỉ đến khi xương bị gãy, và nhiều trường hợp bệnh nhân bị gãy xương không có triệu chứng hiển nhiên, thì lúc đó mới biết loãng xương. Chính vì đặc tính này mà bệnh loãng xương được gọi là “căn bệnh âm thầm”. 

Loãng xương khiến xương ở cột sống bị xẹp, gây biến dạng cột sống. Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp (xẹp đốt sống gây chèn ép tổn thương rễ thần kinh), giảm chiều cao, dáng đi khom và gù  lưng (giải thích vì sao người lớn tuổi chiều cao bị giảm và  lưng hay bị còng). Nếu bị loãng xương đốt sống ngực có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực. Nặng hơn có thể gây khó thở.

 width=

Loãng xương gây hiện tượng còng lưng ở người lớn tuổi (Nguồn: Internet)

Gãy xương là biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong các biến chứng của loãng xương. Phần lớn tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra ở xương đùi, xương cổ tay, thân đốt sống… Bệnh nhân bị gãy xương lần đầu có nguy cơ rất cao bị gãy xương lần thứ hai, thứ ba, và tử vong. Gãy xương trên bệnh nhân loãng xương sẽ khó điều trị hơn người có bộ xương khỏe mạnh.

Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng giúp phòng chống loãng xương, xây dựng xương chắc khỏe

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương, cần có chế độ ăn uống cung cấp đủ canxi và vitamin D. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu canxi cần đáp ứng đủ theo từng lứa tuổi, nhu cầu canxi của trẻ em dưới 10 tuổi là 600-700 mg/ngày, 10-19 tuổi 1000mg, người lớn là 800-1000mg/ngày,  phụ nữ có thai & cho con bú là khoảng 1200-1300 mg/ngày. Canxi có nhiều trong các thực phẩm như tôm, cua, cá, sữa và các chế phẩm từ sữa. Chế độ dinh dưỡng cũng cần nhấn mạnh nhiều trái cây và rau xanh giúp cung cấp magie, kali hỗ trợ sức khỏe xương. 

Tìm hiểu thêm:

 width=

Những thực phẩm giàu canxi và vitamin D tốt cho xương khớp (Nguồn: Internet)

Vận động cơ thể ảnh hưởng lớn tới khối lượng xương, cấu trúc bè xương và quá trình sửa chữa xương, giúp hệ xương khỏe mạnh, cơ bắp dẻo dai, sức mạnh các hệ cơ quan như tim mạch, hô hấp được tăng cường. Hoạt động thể lực ở tất cả các lứa tuổi làm tăng khối lượng xương. Ngoài ra, luyện tập sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng tốt làm giảm nguy cơ té ngã. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích vì làm giảm hấp thu hoặc làm mất canxi.

Ngoài ra, tập thể dục ngoài trời buổi sáng là một biện pháp tăng cường vitamin D hiệu quả, tập thể dục đều đặn có tác dụng làm tăng cường sự chắc khỏe của xương.Tia cực tím của mặt trời có thể làm cho tiền chất dưới da chuyển hóa thành vitamin D, vitamin D thúc đẩy sự hấp thu canxi, vì thế thiếu vitamin D có thể làm tăng khả năng thiếu canxi.

 width=

Những yếu tố quyết định khối lượng xương (Nguồn: Internet)

Dinh dưỡng, lối sống và tập luyện làm tăng khối lượng xương đỉnh giúp phòng chống loãng xương. Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần tăng 10% PBD (Peak Bone Density – khối lượng xương đỉnh) có thể  giảm 50% tỷ lệ gãy xương trong suốt cuộc đời. Khối lượng xương đỉnh thường được tích lũy và cao nhất ở năm khoảng 30 tuổi. Các tổ chức về loãng xương luôn có lời khuyên về phòng chống té ngã gây tổn thương cho xương.  Loãng xương có thể được phát hiện và chẩn đoán sớm bằng xem xét các yếu tố nguy cơ như mật độ xương tối đa thấp và các mô hình tiên lượng nguy cơ gãy xương. 

 width=

Dinh dưỡng, lối sống và tập luyện đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa loãng xương (Nguồn: Internet)

Bệnh loãng xương gây nhiều hậu quả nặng nề dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Khi bị loãng xương thì chi phí điều trị rất cao, thời gian điều trị kéo dài và thuốc điều trị gây nhiều tác dụng phụ. Việc đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ đánh giá các nguy cơ loãng xương hay đo mật độ xương, đặc biệt khi tuổi cao lên, khi là phụ nữ tiền mãn kinh hay sau mãn kinh, sẽ giúp chủ động phòng và điều trị nếu mật độ xương thấp. Do vậy, đi khám và kiểm tra định kỳ mật độ của xương sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, điều trị ngay từ đầu rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Không nên tự ý mua thuốc giảm đau để điều trị, việc lạm dụng thuốc có thể gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm tình trạng loãng xương thêm nặng và khó kiểm soát. Chăm sóc sức khỏe chủ động đang là một xu hướng vô cùng cần thiết hiện nay.

Đại dịch COVID-19 khiến việc điều trị các bệnh mãn tính như loãng xương không được ưu tiên. Vì vậy, ngày 20 tháng 11 là ngày Phòng, chống Loãng xương Thế giới, được Tổ chức phòng chống Loãng xương thế giới (IOF) tổ chức hàng năm để nâng cao nhận thức toàn cầu về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị loãng xương. Đồng thời 20/10 cũng là ngày Phụ nữ Việt Nam, vì vậy đây cũng là dịp mang ý nghĩa rất đặc biệt để mọi người biết thêm thông tin, hiểu rõ bệnh loãng xương và được tiếp cận với nhiều chiến lược của ngành Y tế trên thế giới và Việt Nam cùng hành động vì sức khỏe xương khớp. 

Nguồn tham khảo

1, Girgis CM, Clifton-Bligh, RJ (2020). Osteoporosis in the age of Covid-19

2, Hoang D, Doan M, Mai L, Ho-Le T, Ho-Pham L. (2021). Burden of osteoporosis in Vietnam: An analysis of population risk 

3, International Osteoporosis Foundation

4, Lê Anh Thư, Hội Loãng xương Thành phố Hồ Chí Minh. Bài trình bày về Loãng xương và điều trị Loãng xương ngày 13/08/2021.

5, National Osteoporosis Foundation

6, Sở Y tế Hà Nội (2020), Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

7, Thambiah S & Yeap S. (2020). Osteoporosis in South-East Asian Countries 

8, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Dinh dưỡng lâm sàng (2019). Bài: Dinh dưỡng dự phòng và điều trị bệnh loãng xương.

9, World Osteoporosis Day

Ghé thăm trang thông tin của Nutricare Thương hiệu Quốc gia Dinh dưỡng Y học để nhận được những thông tin mới và cập nhật về sức khỏe xương khớp bạn nhé!

Hoài Linh

5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment