Tiểu đường có di truyền không? Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
Mối lo ngại con cái của mình có thể bị di truyền bệnh tiểu đường xuất phát từ việc thiếu kiến thức về tiểu đường có di truyền không. Bài viết sau đây sẽ giải đáp mối quan hệ giữa yếu tố di truyền và bệnh tiểu đường. Theo dõi ngay!
1. Bệnh tiểu đường có di truyền không?
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bệnh tiểu đường có tính di truyền. Tỷ lệ di truyền của bệnh tiểu đường sẽ tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ của từng người.
Hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hình thành bệnh bao gồm:
- Gen di truyền: yếu tố không thể phòng ngừa.
- Yếu tố môi trường kích hoạt gen gây bệnh: hoàn toàn có thể kiểm soát để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tỉ lệ di truyền và các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường được thống kê như sau:
1.1. Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường type 1
Bệnh tiểu đường type 1 thường được chẩn đoán trước 30 tuổi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiệp hội Tiểu đường Hoa kỳ (ADA) đã thống kê tỷ lệ mắc tiểu đường type 1 như sau:
Người mắc bệnh tiểu đường type 1 | Tỷ lệ mắc |
Bố mắc bệnh | 1/17 |
Mẹ mắc bệnh và sinh con trước 25 tuổi | 1/25 |
Mẹ mắc bệnh và sinh con sau 25 tuổi | 1/100 |
Mẹ mắc bệnh trước 11 tuổi | 2/25 |
Cả bố và mẹ | 1/10 – 1/4 |
Đặc biệt: Bố hoặc mẹ là người bệnh mắc hội chứng tự miễn đa tuyến type 2. | 1/2 |
Yếu tố nguy cơ cho bệnh tiểu đường type 1 vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng nhưng được cho là có liên quan đến 3 yếu tố sau đây:
-
- Yếu tố gen: Đây được coi là nguy cơ chính gây bệnh tiểu đường type 1. Một số gen được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này như gen HLA-DR3 và HLA-DR4 ở người da trắng, gen HLA-DR7 ở người Mỹ gốc Phi và gen HLA-DR9 ở người Nhật.
- Yếu tố kháng thể: Các xét nghiệm kháng thể cũng có thể được sử dụng để xác định nguy cơ mắc tiểu đường type 1 cho trẻ em có anh, chị, em ruột mắc bệnh này. Xét nghiệm này sẽ đo lượng kháng thể Insulin đối với các tế bào đảo nhỏ trong tuyến tụy hoặc đối với enzym GAD (Axit Glutamic Decarboxylase). Mức độ kháng thể cao có thể chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 1 cao hơn ở trẻ.
- Yếu tố môi trường: Các virus có thể phá huỷ các tế bào tuỵ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua kích thích các phản ứng miễn dịch hoặc tự miễn. Chế độ ăn giàu Nitrat hay hấp thụ Vitamin D thấp cũng có thể tăng nguy cơ khởi phát tiểu đường type 1.
1.2. Nguy cơ di truyền của bệnh tiểu đường type 2
Tiểu đường type 2 là thể bệnh chiếm tỷ lệ người mắc lớn nhất và tỷ lệ cao khởi phát ở người lớn tuổi. Tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 theo công bố của Hiệp hội Tiểu đường Hoa kỳ (ADA):
- Nếu người bố hoặc người mẹ mắc bệnh trước 50 tuổi, tỷ lệ con bị bệnh là 1/7.
- Nếu cả 2 bố mẹ đều mắc bệnh, tỷ lệ này lên tới 50% (½).
- Nếu người bố hoặc mẹ phát hiện bệnh sau 50 tuổi, người con có nguy cơ mắc bệnh là 1/13.
Bệnh tiểu đường type 2 có mối liên hệ chặt chẽ với cả 2 yếu tố di truyền và môi trường sống nên thường khó xác định đâu là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh có thể thường đến từ cả 2 yếu tố. Cụ thể:
- Yếu tố gen: Một số nghiên cứu cho thấy có những đột biến gen gắn liền với bệnh tiểu đường type 2, tuy nhiên không có gen nào độc lập gây bệnh. Một số gen tham gia quá trình điều hoà glucose máu như TCF7L2, ABCC8, CAPN10, GLUT2, GCGR bị đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
- Yếu tố môi trường: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ và các bệnh lý như thừa cân, béo phì sẽ dễ dẫn đến mắc tiểu đường type 2. Một số yếu tố khác như virus, chất độc cũng có thể kích hoạt yếu tố gen và gây bệnh.
11+ Hậu quả của tiểu đường cần biết để ngăn ngừa biến chứng!
2. Cách sàng lọc và phòng ngừa bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có tính di truyền, do đó việc sàng lọc và phòng ngừa bệnh ngày càng được khuyến cáo phổ biến ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Sàng lọc bệnh tiểu đường
Hiện nay, các xét nghiệm di truyền là phương pháp đặc hiệu nhất để sàng lọc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc sàng lọc gen còn nhiều khó khăn và tốn kém nên bệnh tiểu đường chủ yếu được dự đoán thông qua các yếu tố:
- Tình trạng tăng huyết áp
- Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường
- Các chỉ số khối cơ thể như BMI, đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì
- Tiền sử tiểu đường thai kỳ
- Tình trạng rối loạn lipid máu: tăng cholesterol và nồng độ triglycerid
Phòng ngừa bệnh tiểu đường
Không chỉ những gia đình có người bị tiểu đường mà tất cả mọi người đều nên chủ động phòng tránh bệnh tiểu đường. Lối sống lành mạnh và khoa học là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa và kìm hãm sự tiến triển của bệnh tiểu đường:
- Vận động khoa học, tập thể dục, thể thao thường xuyên;
- Chế độ ăn uống khoa học: ăn nhiều rau củ, trái cây, kiểm soát lượng đạm, mỡ, tinh bột,…;
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác;
- Kiểm soát cân nặng ở mức độ vừa phải, hạn chế tối đa thừa cân, béo phì;
- Hạn chế căng thẳng, lo âu, cải thiện chất lượng giấc ngủ;
- Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để tầm soát tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính khác.
3. Giải đáp một số thắc mắc liên quan
Dưới đây là giải đáp cho một số thắc mắc thường gặp của người bệnh tiểu đường và người thân:
Câu 1: Chồng bị bệnh tiểu đường có sinh con được không?
Trả lời: Nam giới bị tiểu đường hoàn toàn có thể sinh con.
Tỷ lệ di truyền bệnh do người bố là 1/17 với tiểu đường type 1 và 1/7 với tiểu đường type 2. Tuy nhiên, nguy cơ tiểu đường còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường sống, do đó bố mẹ có thể giảm khả năng mắc bệnh cho con thông qua thực hiện lối sống lành mạnh và khoa học.
Câu 2: Vợ bị bệnh tiểu đường có sinh con được không?
Trả lời: Phụ nữ mắc tiểu đường đều có thể sinh con khoẻ mạnh kể cả mắc type 1, type 2 hay tiểu đường thai kỳ.
Tỷ lệ di truyền từ mẹ mắc bệnh thường sẽ thấp hơn so với di truyền từ bố: trên 1/25 với tiểu đường type 1 và 1/7 với tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, tiểu đường có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai. Vì vậy, để có thể sinh con khỏe mạnh, các cặp vợ chồng hãy chủ động kiểm soát bệnh thật tốt ngay từ khi có kế hoạch sinh con và phòng ngừa bệnh cho con thông qua lối sống lành mạnh sau khi sinh.
Câu 3: Bệnh tiểu đường có lây không?
Trả lời: Bệnh tiểu đường không gây lây nhiễm qua đường tiếp xúc, đường máu, quan hệ tình dục,… Bởi nguyên nhân gây bệnh là rối loạn chuyển hoá bên trong cơ thể và không thông qua vi sinh vật.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường có yếu tố di truyền. Do vậy, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn cần có phòng ngừa bằng cách thực hiện một lối sống lành mạnh và sàng lọc yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường từ sớm.
Có thể bạn quan tâm:
- Ăn nhiều đường có bị bệnh tiểu đường không? Nên ăn bao nhiêu là đủ?
- Nhận biết bệnh tiểu đường qua nước tiểu: Màu, mùi và các dấu hiệu khác
Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi “Tiểu đường có di truyền không?”. Không chỉ người có người thân mắc bệnh tiểu đường mà tất cả mọi người nên tầm soát bệnh tiểu đường từ sớm và thực hiện một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa, làm chậm quá trình xuất hiện đái tháo đường.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý tiểu đường, hãy liên hệ ngay tới hotline 18006011 hoặc truy cập vào fanpage Glucare Gold – dinh dưỡng y học cho người đái tháo đường để được giải đáp chi tiết nhé!
Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *