Sau khi mổ tim cần kiêng những gì? 4 Điều cần biết để phục hồi nhanh
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh – Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare
Sau khi mổ tim sức khỏe của người bệnh khá yếu, cần nghỉ ngơi và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt bạn cần biết rõ sau khi mổ tim cần kiêng những gì để phòng tránh và giúp người bệnh sớm phục hồi. Hãy theo dõi bài sau đây của Nutricare để có câu trả lời cụ thể và có được nhiều kinh nghiệm hữu ích chăm sóc sức khỏe cho người bệnh mổ tim.
1. Những thực phẩm cần kiêng sau khi mổ tim
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau khi mổ tim. Để lên được thực đơn khoa học, lành mạnh, tăng cường sức khỏe tốt cho người bệnh, cần hạn chế các thực phẩm sau:
1.1. Thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa
Những thực phẩm chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa chính là “khắc tinh” với người bệnh sau phẫu thuật tim. Bởi vì, khi cơ thể hấp thu nhiều chất béo bão hòa gây tắc nghẽn các mạch máu dẫn đến tim, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và ảnh hưởng xấu tới chức năng co bóp của tim. [1]
Chính vì vậy, sau khi mổ tim bạn cần kiêng thực phẩm giàu chất béo bão hòa như: thịt mỡ, nội tạng, bơ, phô mai…
Các thực phẩm chứa nhiều chất béo lành mạnh như axit béo Omega 3 sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Loại axit béo này có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, nhằm ngăn ngừa các biến chứng tim mạch. Axit béo Omega 3 có nhiều trong các loại cá, quả óc chó, đậu nành, hạt lanh. [2]
1.2. Thực phẩm chứa nhiều muối
Các loại đồ ăn chứa nhiều muối như: dưa muối, cà muối, cá khô, thịt hộp,… nên hạn chế sử dụng cho người bệnh sau mổ tim. Việc tiêu thụ lượng muối lớn qua các thực phẩm sẽ làm tăng quá trình giữ nước bên trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn, gây áp lực lên mạch máu và tăng gánh nặng cho van tim, tim. [1]
Khi tình trạng này kéo dài, tuổi thọ của các bộ phận tim mới được khắc phục, thay thế sẽ giảm đi. Do đó, người bệnh sau mổ tim nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin A, C và khoáng chất như cam, bưởi, táo, các loại hạt và chế độ ăn nhạt để bệnh tình sớm phục hồi.
1.3. Thực phẩm giàu vitamin K
Những bệnh nhân thay van tim, mổ tim cần phải uống thuốc chống đông máu để ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu. Những thực phẩm giàu vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và điều trị bệnh tim. [1]
Do đó, các đồ ăn giàu vitamin K như: rau cải bắp, rau diếp, cải bó xôi, cải xoong, giá đỗ cần tránh trong thực đơn hàng ngày của người bệnh sau mổ tim. Thay vào đó, bạn nên chọn các loại rau, củ chứa ít vitamin K và nhiều dưỡng chất tốt cho người bệnh như: cà rốt, tần ô, khổ qua,… [3]
1.4. Thực phẩm chứa nhiều Carbohydrate
Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh kẹo ngọt, khoai tây chiên,… sẽ làm tăng triglyceride máu – một dạng mỡ máu có thể bám vào thành mạch cản trở quá trình lưu thông máu. Khi triglyceride máu quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình tuần hoàn của máu tới tim, gây bất lợi cho quá trình hồi phục của tim. [1]
Do đó, bạn cần tránh xa những thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và thay thế bằng những loại trái cây, các loại hạt tốt cho tim mạch như: cà chua, táo, cam, việt quất,…[3]
1.5. Các chất kích thích
Các chất kích thích như bia, rượu, cà phê có thể làm giảm lượng bạch cầu trong cơ thể, khiến các vết thương lâu lành và dễ bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các chất kích thích có thể phản ứng với thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Do đó, sau khi mổ tim người bệnh cần bỏ hẳn rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè. [4]
2. Những điều cần kiêng khi chế biến thực phẩm và lượng ăn phù hợp cho người bệnh sau mổ tim
Ngoài tìm hiểu để hạn chế những thực phẩm không tốt cho người phẫu thuật tim, bạn cần lưu ý những vấn đề sau khi chế biến đồ ăn và lượng ăn phù hợp. Cụ thể:
- Không nên chế biến bằng cách chiên rán: Bởi đồ ăn chiên rán qua dầu mỡ sẽ làm tăng cholesterol, gây áp lực lên mạch máu và ảnh hưởng xấu tới tim mạch. Bạn nên ưu tiên chế biến món ăn luộc, hấp để người bệnh thưởng thức.
- Không nên ăn đồ dai cứng, khó tiêu: Sau phẫu thuật, cơ thể người bệnh yếu và chức năng tiêu hóa kém. Do đó, những đồ ăn dai, cứng, khó tiêu như gân bò, xúc xích, cánh gà chiên,… sẽ gây khó ăn, ảnh hưởng tới tiêu hóa và gây mệt mỏi cho cơ thể. Người bệnh nên bổ sung những đồ ăn lỏng, mềm như cháo, súp, rau của quả hầm nhừ để cơ thể hấp thu và tiêu hóa tốt hơn.
- Không nên ăn quá no, nên chia nhỏ bữa: Người bệnh sau mổ tim không nên ăn quá no, nên chia nhỏ bữa từ 5 – 6 bữa trên ngày thay vì ăn 3 bữa chính. Điều này tránh gây áp lực lớn cho hệ tiêu hóa, gây khó tiêu ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình hồi phục của người bệnh.
- Ăn đa dạng món: Người bệnh không nên chỉ ăn một vài thực phẩm, cần đa dạng món ăn để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Các nhóm thực phẩm tốt cho người bệnh sau phẫu thuật tim là thực phẩm giàu đạm, chất xơ, giàu vitamin A, C, B và khoáng chất magie, kẽm,… [3]
3. Những điều cần kiêng về vận động sau mổ tim
Không chỉ kiêng về ăn uống, người bệnh sau mổ tim cũng cần lưu ý khi vận động. Sau đây là những điều mà người bệnh cần hạn chế:
- Không nên tập các bài tập thể dục nặng: Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất. Đồng thời, người bệnh nên tránh các bài tập nặng như chạy, nhảy, tập tạ, leo thang bộ vì vận động mạnh, có thể ảnh hưởng tới vết thương, khiến cơ thể mất sức, lâu hồi phục.
- Tránh nâng, mang vác các vật nặng: Sau phẫu thuật tim, xương ức đang trong quá trình lành bệnh, người bệnh không nên mang, vác vật nặng quá 4.5 kg để trong ảnh hưởng tới quá trình hồi phục.
- Tránh làm các việc gây căng cơ: Người bệnh cần tránh gắng sức khi kéo, đẩy vật nặng hoặc đi đại tiện hay rướn người quá mức vì những việc làm này sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình hồi phục của tim.
- Không nên bắt chéo chân khi ngồi: Tư thế bắt chéo chân sẽ tạo áp lực lên tĩnh mạch dưới đầu gối và ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu. Do đó, bạn nên thả lỏng chân hoặc kê cao chân khi ngồi để máu lưu thông thuận lợi.
- Hạn chế lái xe: Sau phẫu thuật tim cơ thể người bệnh còn mệt mỏi, phản ứng sẽ chậm hơn bình thường. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế lái xe trong vòng 4 – 6 tuần sau mổ tim để cơ thể hồi phục nhanh hơn và tránh những va chạm có thể xảy ra. [2]
4. Một số lưu ý khác cho người bệnh sau mổ tim
Sau đây là một số lưu ý khác để người bệnh mổ tim sớm lành bệnh và trở lại cuộc sống bình thường:
- Làm việc lại sau khoảng 6 tuần: Sau phẫu thuật tim cơ thể cần được nghỉ ngơi để khỏe khoắn trở lại. Thông thường sau khoảng 6 tuần người bệnh có thể làm việc bình thường. Nếu trở lại làm việc sớm hơn, khi cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, người bệnh sẽ có thể bị mệt mỏi, khó tập trung.
- Luôn thoải mái về mặt tâm lý: Tâm lý là “liều thuốc” tuyệt vời để cơ thể khỏe khoắn và sớm hồi phục. Do đó, người bệnh hãy luôn vui vẻ, thoải mái giúp cơ thể ngủ đủ giấc, hấp thu dưỡng chất tốt và sớm khỏi bệnh.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ: Sau khi phẫu thuật tim, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc hỗ trợ, thuốc tránh nhiễm trùng,… Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục.
- Theo dõi vết thương: Người bệnh sau mổ tim cần theo dõi vết mổ ở ngực và khi thấy có dấu hiệu bất thường như: tiết dịch, vết thương lâu lành,… cần báo ngay cho bác sĩ để được điều trị kịp thời.
- Bổ sung ăn uống đầy đủ: Lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, phù hợp giúp hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình phục hồi. Sau đây là các thực phẩm tốt cho người bệnh sau mổ tim mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày:
Trên đây là những chia sẻ của Nutricare về những điều cần hạn chế sau khi phẫu thuật tim. Hy vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc sau khi mổ tim cần kiêng những gì và có được những bí quyết hữu ích để giúp cơ thể người bệnh sớm hồi phục. Nếu vẫn còn băn khoăn về cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật tim, bạn hãy liên hệ với Nutricare để có thông tin chi tiết nhé!
Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.
Quá trình đào tạo
- 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
- 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
- Chứng chỉ dược lâm sàng
- Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
- Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản
Quá trình công tác
- 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
- 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
- 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
- 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *