Đái tháo đường thai kỳ là gì? Mẹ bầu bị đái tháo đường ăn như nào cho đúng?
Trong tất cả các bệnh lý thai sản thì hầu hết các bệnh đều gây ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe thai phụ và thai nhi. Trong đó, bệnh tiểu đường thai kỳ cũng gây ra không ít khó khăn cho thai phụ trong việc chăm sóc và đặc biệt là trong chế độ ăn uống.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết được phát hiện lần đầu tiên khi đang mang thai. May mắn thay, bệnh tiểu đường thai kỳ thường ngắn ngủi và lượng đường trong máu thường trở lại bình thường sau sinh. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan hay thờ ơ với bệnh vì có khoảng 30% bệnh nhân sau này sẽ mắc tiểu đường thực sự. Cho nên việc sàng lọc mối nguy cơ để phát hiện sớm bệnh là rất cần thiết.
Đái tháo đường thai kỳ cần phải được phát hiện sớm để được chăm sóc đúng cách
Khi nào thì đến gặp bác sĩ?
Nếu là mang thai có kế hoạch thì bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và sàng lọc sức khỏe ban đầu. Khi đó bạn sẽ được đánh giá nguy cơ của bệnh tiểu đường cũng như các bệnh có thể mắc phải khác. Sàng lọc trước sinh là công đoạn rất quan trọng để giúp phòng tránh hoặc điều trị sớm các bệnh gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Nếu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ thì bạn sẽ được tư vấn về bệnh hoặc được giới thiệu đến một chuyên gia dinh dưỡng tiết chế. Họ có thể khám và tư vấn rõ ràng nhất để bạn có thể kiểm soát lượng đường huyết ở mức độ an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm sau này như: tiền sản giật, nhiễm trùng đường niệu, tiểu đường thực sự,…
Làm gì khi được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ?
Khi được chẩn đoán đã mắc bệnh thì việc kiểm soát lượng đường trong máu để giữ cho em bé khỏe mạnh, tránh các biến chứng trong thời gian mang thai là rất cần thiết. Để làm được điều đó thì ngoài việc theo dõi đường máu thường xuyên, bạn cần có một chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh.
Đái tháo đường nói chung đều cần phải kiểm soát đường huyết ổn định
Nguyên tắc chế độ ăn giúp ổn định đường huyết:
– Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ có vai trò giúp đường huyết không tăng quá cao sau bữa ăn đồng thời giúp cải thiện hệ tiêu hóa, phòng chống táo bón hiệu quả. Đặc biệt với phụ nữ mang thai thì tăng lượng chất xơ hàng ngày trong bữa ăn là rất cần thiết. Các loại rau xanh như bầu, bí xanh, rau họ cải, hoa quả rất giàu chất xơ đấy mẹ!
– Ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng gluxid hợp lý: Các loại gạo nếp, bột nếp, bánh mỳ, mít, khoai lang,…ăn vừa phải; còn các loại bánh kẹo, đồ ngọt, trái cây khô thì nên được hạn chế tối đa.
– Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày: Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ bầu nên ăn từ 5-6 bữa mỗi ngày gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
– Không bỏ bữa: Không được bỏ bữa ngay cả khi không muốn ăn.
Ngoài ra các mẹ đừng quên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Các hình thức vận động nhẹ như Yoga rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu đấy mẹ à!
Minh Hải
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *