Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hoá còn non nớt chưa phát triển đầy đủ đồng thời còn do môi trường và người chăm sóc trẻ. Tiêu chảy nếu không được xử trí đúng cách sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Tiêu chảy có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm gây ra. Tuy nhiên ở trẻ em thì tác nhân chính gây ra tiêu chảy lại là virus trong đó đặc biệt phải kể đến rotavirus.
Với cơ chế gây tiêu chảy khác nhau nhưng tất cả triệu chứng từ nặng đến nhẹ đều dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu mất nước và điện giải nặng có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch. Vì thế cần phải nhận biết và xử trí đúng cách khi trẻ bị tiêu chảy bất kể nguyên nhân nào gây ra.
Trẻ bị mất nước sẽ có các dấu hiệu sau đây: mắt trũng, môi khô, lưỡi khô, vật vã quấy khóc là dấu hiệu trẻ mất nước hoặc li bì, lờ đờ, mệt lả là dấu hiệu trẻ mất nước nặng. Ngoài ra cần quan sát các dấu hiệu khác như: nếp véo da – tại bụng hoặc đùi véo da thành nếp rồi bỏ ra nếu thấy nếp véo da mất chậm là trẻ có mất nước, trẻ tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, trẻ còn thóp thì quan sát thóp của trẻ nếu trũng (lõm xuống) tức là có mất nước. Cần phải đưa trẻ đi khám nếu các biểu hiện trên trở nên nặng hơn.
Cần thận trọng nếu trẻ có dấu hiệu mất nước
Trẻ có biểu hiện tiêu chảy và có dấu hiệu mất nước thì điều cần làm là phải bù đủ nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống dung dịch Oresol ngay khi trẻ có biểu hiện đi ngoài và mất nước. Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng hàng đầu ở trẻ nhỏ nên cần phải chăm sóc, cho trẻ ăn đúng cách. Đối với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú mẹ và thời gian bú có thể kéo dài hơn bình thường. Còn đối với trẻ lớn hơn thì tiếp tục cho trẻ ăn như bình thường tuy nhiên cần chú ý chia nhỏ bữa, sử dụng các loại thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu. Trẻ ở giai đoạn bệnh dễ có biểu hiện biếng ăn. Nhưng không vì thế mà ép trẻ ăn vì như thế sẽ làm trẻ biếng ăn nặng hơn. Sau khi khỏi bệnh, bên cạnh bữa ăn bình thường trong ngày thì cần tăng thêm một bữa trong vòng 4 tuần để giúp trẻ hồi phục cân nặng. Ngoài ra, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại thuốc cầm nôn, cầm tiêu nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Tiêu chảy khá phổ biến ở những vùng có kinh tế khó khăn, lạc hậu và thiếu kiến thức trong việc chăm con. Vì thế cần nâng cao hiểu biết để phòng tránh bệnh hiệu quả. Từ những việc đơn giản như vệ sinh sạch sẽ, rửa tay kỹ và thường xuyên, cho trẻ bú mẹ, vệ sinh bình sữa và núm vú đúng cách (khuyến khích cho con ăn sữa bằng hình thức đổ thìa) cho đến những việc như thực hiện tiêm phòng đầy đủ, tẩy giun định kỳ và đặc biệt cho trẻ uống vắc xin phòng rotavirus.
Minh Hải
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *