Người bị tiểu đường nên dùng bao nhiêu mướp đắng?
Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.
Mướp đắng là loại quả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó, tác dụng của mướp đắng với bệnh tiểu đường là giúp kiểm soát đường huyết ổn định. Hãy theo dõi bài viết sau đây để thấy rõ những lợi ích của mướp đắng và tham khảo cách sử dụng loại quả này phù hợp bạn nhé.
1. Tác dụng của mướp đắng với bệnh tiểu đường
Kiểm soát lượng đường trong máu: Mướp đắng chứa ít nhất 3 hoạt chất có đặc tính chống tiểu đường là: Charanti và Vicine đóng vai trò hạ đường huyết, Polypeptide-p hoạt động giống như insulin, làm nhiệm vụ chuyển hóa lượng đường trong máu thành năng lượng bằng cách đưa glucose vào các tế bào. Từ đó, làm giảm lượng glucose trong máu. Theo kết quả của một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 4 tuần trên Tạp chí Ethnopharmacology vào tháng 1/2011 thì 2.000mg mướp đắng mỗi ngày giúp giảm đáng kể lượng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2 [1].

Mướp đắng phòng ngừa biến chứng tim mạch và béo phì ở người tiểu đường: Mướp đắng là loại thực phẩm giàu chất xơ, lượng calo thấp nên rất phù hợp để người tiểu đường thừa cân bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Trong 94g mướp đắng chứa khoảng 2g chất xơ, giúp người bệnh tiểu đường no lâu hơn, hạn chế cảm giác đói, thèm ăn và kiểm soát cân nặng để hạn chế thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, khi sử dụng một viên nang chứa 4,8g chiết xuất mướp đắng mỗi ngày giúp giảm đáng kể lượng mỡ bụng [2].

2. Người bị tiểu đường nên dùng bao nhiêu mướp đắng?
Liều lượng
Hiện nay, việc sử dụng mướp đắng với liều lượng tiêu chuẩn để điều trị bệnh tiểu đường vẫn chưa có một con số cụ thể. Theo Kaiser Permanente – tổ chức chăm sóc sức khoẻ tổng hợp có quản lý của Hoa Kỳ – liều lượng dùng mướp đắng hàng ngày cho bệnh tiểu đường là 50 đến 100ml nước ép hoặc 5 gam trái cây dạng bột, uống ba lần mỗi ngày [3]. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra con số thống nhất cho liều lượng sử dụng mướp đắng mỗi ngày.
Nếu dùng mướp đắng mỗi ngày thì nên bổ sung dưới 2,5 lạng mỗi ngày để tránh hiện tượng đau bụng, tiêu chảy. Theo một nghiên cứu nhỏ trên Tạp chí Thực phẩm Thuốc vào tháng 7/2018 cho thấy, liều lượng 2.000 miligam mướp đắng mỗi ngày giúp cải thiện bài tiết insulin và cũng có hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu [4].
Cách dùng:
Mướp đắng có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau như rau tự nhiên, một loại trà, nước ép hoặc chất bổ sung. Tuy nhiên, thực tếmướp đắng vẫn chưa được coi là một giải pháp hay có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường như một loại thuốc, dù có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Mướp đắng chỉ được sử dụng để bổ sung vào thực đơn lành mạnh hàng ngày của người bệnh tiểu đường. Do đó, nên tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng mướp đắng chữa tiểu đường để hạn chế những tác dụng phụ không tốt tới sức khỏe.

3. Ai không nên sử dụng mướp đắng? Tác dụng phụ của mướp đắng
Mặc dù là một loại thực phẩm có nhiều tác dụng với người bệnh tiểu đường và cung cấp các dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhưng các đối tượng sau đây không nên sử dụng mướp đắng, bởi có thể gây ra những tác dụng phụ không tốt. Cụ thể:
- Phụ nữ mang thai: Theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSKCC), phụ nữ mang thai không nên ăn mướp đắng. Vì có thể sẽ khiến sản phụ bị chảy máu âm đạo và sẩy thai.
- Những người dùng insulin: Các đối tượng này cũng không nên sử dụng mướp đắng. Bởi vì theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSKCC) ăn mướp đắng có thể dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp.
- Không nên ăn nhiều hạt mướp đắng: Cũng theo MSKCC, ăn quá nhiều hạt mướp đắng có thể khiến người bệnh đau đầu, sốt, đau dạ dày hay thậm chí hôn mê.

Hy vọng với bài viết trên đã giúp các bạn thấy được những tác dụng của mướp đắng với bệnh tiểu đường và liều lượng sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về lượng dùng hàng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho chẩn đoán hoặc điều trị y khoa
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *