Trẻ em bị còi xương thì xử trí thế nào?
Ở trẻ nhỏ có thể gặp nhiều bệnh mà biến chứng của chúng rất nguy hiểm nếu không được chăm sóc và chữa trị kịp thời. Trong đó hay gặp phải kể đến bệnh còi xương.
Tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi dưới 24 tháng là 10-20% nhưng lứa từ 3-6 tháng tuổi lại lên tới 35%. Trẻ em bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi, phospho của cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu sự tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc kiêng khem quá mức khiến chế độ ăn nghèo canxi và vitamin D. Ngoài ra những trẻ thường xuyên bị các bệnh rối loạn đường tiêu hóa hay viêm đường hô hấp cũng dễ bị còi xương. Khi đó những trẻ dễ bị còi xương gồm:
· Trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ quá bụ bẫm, trẻ sinh vào mùa đông.
· Trẻ không được bú mẹ.
· Trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có cân nặng sơ sinh (dưới 2500g).
· Dinh dưỡng thai kỳ của mẹ không được đảm bảo.
Còi xương thường không xảy ra riêng lẻ mà đi kèm với suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và thiếu máu. Trẻ suy dinh dưỡng hay có rối loạn hấp thu các chất trong đó có vitamin D và Canxi đồng thời thiếu hụt enzyme chuyển hóa vitamin D. Ngược lại, tình trạng thiếu vitamin D cũng sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp có nguy cơ còi xương cao hơn trẻ có cân nặng sơ sinh bình thường do đó dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của trẻ sau này.
Trẻ còi xương sẽ có những dấu hiệu sau:
· Trẻ ra mồ hôi trộm.
· Trẻ kích thích khó ngủ, hay giật mình.
· Rụng tóc gáy.
· Chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, chậm biết bò.
· Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh.
· Chậm mọc răng, răng hay bị sâu, mọc lộn xộn.
· Lồng ngực hình gà, chuỗi hạt sườn.
· Vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong.
Còi xương dễ dẫn đến các biến chứng về xương ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất của trẻ sau này
Trẻ bị còi xương nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: không phát triển, xương bị dị tật, gãy xương, động kinh. Vì thế, điều trị sớm và phòng ngừa còi xương ở trẻ nhỏ là rất quan trọng.
Làm gì khi trẻ bị còi xương?
Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10-15 phút mỗi ngày lúc buổi sáng (trước 9 giờ sáng). Về mùa đông không có ánh nắng, cho trẻ đi tắm điện ở khoa lý trị liệu pháp tại các bệnh viện.
Cho trẻ uống vitamin D 4.000 UI/ngày trong 4-8 tuần, trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cần tăng liều 5.000-10.000 U/ngày trong 1 tháng, hoặc cho trẻ tiêm vitamin D 200.000 UI/ống, 3 tháng tiêm nhắc lại 1 lần trong năm đầu tiên. Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: Canxi B1 – B2 – B6: 1-2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1-2 thìa cà phê/ngày. Bên cạnh đó, nguồn canxi và vitamin D cần bổ sung từ thực phẩm là không thể thiếu đặc biệt là sữa (bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức) và các chế phẩm từ sữa.
Khi đó chế độ ăn uống của trẻ phải đầy đủ những thực phẩm sau:
+ Cho trẻ bú mẹ.
+ Ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương.
+ Cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: vì Vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
Chế độ dinh dưỡng ngay từ khi mang thai cho đến khi trẻ lớn là yếu tố quan trọng để phòng bệnh
Để phòng ngừa bệnh còi xương cho trẻ mẹ cần lưu ý một số điều sau:
· Trong giai đoạn mang thai và cho con bú, mẹ cần ăn đủ chất, không kiêng khem, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày và đi khám thai định kỳ.
· Trẻ được một tháng tuổi thì bắt đầu cho trẻ tắm nắng trung bình khoảng 15-20 phút mỗi ngày vào buổi sáng
· Trong chế độ ăn của trẻ phải luôn cung cấp đầy đủ chất đạm, đường, béo. Mỗi bát thức ăn của trẻ phải thêm 1-2 thìa dầu ăn.
· Cần gia tăng khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ, nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa, thức ăn từ độngvật, chất béo,…
· Các mẹ lưu ý không được tự ý sử dụng vitamin D mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ vì có thể làm trẻ bị ngộ độc khi dùng liều cao hoặc kéo dài.
Mẹ lưu ý những điều trên để ngay khi có biểu hiện của bệnh hoặc bé thuộc nhóm có nguy cơ bị còi xương thì đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị cho bé mẹ nhé!
Tài liệu tham khảo:
http://viendinhduong.vn/news/vi/271/55/2/a/benh-coi-xuong-o-tre-em—nhung-dieu-can-biet.aspx
Minh Hải
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *