10 Nguyên Tắc Vàng Giúp Trẻ Hết Biếng Ăn
Nhiều cha mẹ đã rất lo lắng, thậm chí bị stress bởi chứng biếng ăn của con mình và cũng không ít các bé luôn sợ sệt, lo lắng trước mỗi bữa ăn. Vậy làm thế nào để nỗi ám ảnh của cả bố mẹ và các con đều tan biến?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì nhiều phụ huynh đã phải dùng đến biện pháp dọa dẫm hoặc hứa hẹn thưởng cho bé để mong con mình ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là một biện pháp phản khoa học. Vì thực tế đã chứng minh rằng, càng bị ép ăn thực phẩm nào, trẻ sẽ càng có ác cảm hơn với loại đồ ăn đó.
Để khắc phục điều này, các chuyên gia đã đưa ra 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giúp cha mẹ và bé xóa tan nỗi ám ảnh biếng ăn.Cha mẹ nên cho bé kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi bé có biểu hiện chán ăn, để đảm bảo không phải bé chán ăn do mắc phải các bệnh mãn tính hoặc bé bị bệnh trong đường tiêu hóa, loét, nấm miệng… gây ra chán ăn và cản trở việc ăn uống.
1. Không dọa dẫm, quát nạt, thúc ép.
Thay vì dọa dẫm hay quát nạt, phụ huynh nên giới thiệu, trò chuyện với con về xuất xứ, cách chế biến của món ăn thông qua các câu chuyện vui vẻ, giúp tăng hứng thú với việc ăn uống.
2. Làm gương cho con.
Tuyệt đối tránh không chế biến hoặc không cho con ăn món ăn mà cha mẹ hoặc người lớn trong nhà không thích, không ăn. Thay vào đó, hãy khéo léo hướng dẫn hay ăn mẫu một vài miếng để kích thích trẻ làm theo.
3. Thường xuyên thay đổi thực đơn và cách chế biến món ăn.
Cần tuyệt đối tránh tình trạng ăn đi ăn lại một món. Trẻ sẽ dễ thích thú với món ăn hơn nếu trông chúng có vẻ sặc sỡ và luôn mới mẻ.
4. Chế biến các món ăn phù hợp với độ tuổi và sức nhai.
Nếu trẻ đã đủ tuổi và đảm bảo sức nhai thì nên cho trẻ ăn cơm thay vì bắt trẻ ăn cháo xay và ngược lại.
5. Cho con vận động và không ăn vặt trước bữa chính.
Việc cho con tham gia các trò chơi, vận động nhẹ nhàng trước bữa ăn sẽ khiến bé có cảm giác đói và thèm ăn hơn để bù lại lượng năng lượng đã tiêu hao trong quá trình vận động. Bên cạnh đó, cần tránh và tốt nhất là không nên cho bé ăn vặt trước bữa chính , bé sẽ mất cảm giác đói và không còn cảm giác thèm ăn.
6. Không cho con vừa ăn, vừa chơi hoặc xem tivi.
Các trò chơi, tivi, điện thoại hay máy tính… sẽ khiến khả năng tập trung vào ăn uống giảm đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, gây mất thời gian của bố mẹ mà còn tạo thành thói quen xấu lâu dài.
7. Thật kiên nhẫn khi cho trẻ ăn.
Cần luôn có thái độ dịu dàng và kiên nhẫn để đảm bảo bé cũng cảm nhận được điều đó, đặc biệt khi cho bé làm quen với món mới.
8. Khen tặng con khi con bắt đầu làm quen với một món mới.
Đừng tiết kiệm những lời khen tặng khi bé chịu thử một món mới. Bởi việc thử ăn một món mới cũng giống như vượt qua một chướng ngại vật lớn đối với trẻ, đặc biệt là trẻ có xu hướng biếng ăn.
9. Khuyến khích bé tự xúc, tự gắp thức ăn.
Việc để cho bé tự xúc, tự gắp thức ăn không những tập cho trẻ tính tự lập mà còn đưa cho trẻ cơ hội để tự lựa chọn những loại thức ăn phù hợp trong thực đơn đã được chuẩn bị sẵn. Đây là cách để trẻ cảm nhận thấy chúng được tôn trọng đồng thời cũng là cách để phụ huynh biết được con mình thích ăn món nào, không thích ăn món nào.
10. Không kéo dài bữa ăn quá 30 phút.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ nên kéo dài bữa ăn trong vòng 30 phút/ 1 bữa. Nếu bữa ăn kéo dài hàng giờ sẽ không đảm bảo dinh dưỡng do thức ăn không còn nóng và ảnh hưởng tới bữa ăn kế tiếp.
Ths. Bs Nguyễn Đức Minh
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *