Giải đáp 4 lo lắng của phụ nữ mang thai về COVID-19 và dinh dưỡng mùa dịch

5/5 - (1 vote)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phụ nữ mang thai cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp về 4 vấn đề được mẹ bầu quan tâm nhất về tính an toàn, hiệu quả khi tiêm vaccine phòng COVID-19 và lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong mùa dịch.

 width=

(Nguồn: Internet)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, đại dịch COVID-19 sẽ không bỏ qua bất cứ người nào, ai cũng có thể nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có những nhóm đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công và cũng có những nhóm nguy cơ diễn biến nặng hơn người khác một khi đã nhiễm COVID-19.

Danh sách các đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19 theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Phòng Bệnh Hoa Kỳ (CDC) bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người nghiện, rối loạn sử dụng chất gây nghiện 
  • Người bị hen suyễn, các bệnh rối loạn máu, ung thư, bệnh mạch máu não, , xơ nang, tiểu đường, hội chứng Down, bệnh tim, tăng huyết áp, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác, người cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc máu, các bệnh thần kinh, béo phì 
  • Người hút thuốc lá

Các đối tượng này khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. Đặc biệt trong đó, phụ nữ mang thai lại là nhóm đối tượng được CDC xếp đứng đầu danh sách. 

1. Vì sao phụ nữ mang thai diễn biến tăng nặng khi mắc COVID-19?

Phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương, biến chứng nặng khi nhiễm COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Mang thai gây ra những thay đổi trong cơ thể khiến phụ nữ dễ bị ốm nặng do vi rút đường hô hấp như vi rút gây ra COVID-19. Các cơ quan virus Sars-Cov-2 tấn công chủ yếu là phổi và hệ tim mạch – đây là 2 cơ quan chịu áp lực rất lớn trong thai kỳ. 

Bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Những người mang thai mắc COVID-19 có nhiều khả năng bị sinh non (sinh con sớm hơn 37 tuần) và nhiều khả năng sẽ có những kết quả xấu khác liên quan đến thai kỳ như sẩy thai, thai chết lưu.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ.

Khi mắc COVID-19, ở cùng độ tuổi

phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng CAO HƠN phụ nữ không mang thai

(Số liệu từ https://www.health.gov.au/)      

Tăng nguy cơ nhập viện cao hơn khoảng 5 lần
Tăng nguy cơ khi nhập viện cần chăm sóc đặc biệt. cao hơn khoảng 2-3 lần
Tăng nguy cơ cần hỗ trợ thông khí (thở hỗ trợ sự sống) cao hơn khoảng 3 lần

 

Khi mang thai mắc COVID-19 cũng làm tăng nguy cơ biến chứng cho trẻ sơ sinh

(Số liệu từ https://www.health.gov.au/) 

Tăng nhẹ nguy cơ sinh non cao hơn khoảng 1,5 lần) (trước 37 tuần của thai kỳ)
Tăng nguy cơ khi trẻ sinh ra phải chăm sóc đặc biệt  cao hơn khoảng 3 lần

Vì vậy, việc chăm sóc thai kỳ, giảm nguy cơ phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 bằng giải pháp vaccine và bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng là vô cùng cần thiết.

2. Những lợi ích mà vaccine đem lại cho phụ nữ mang thai?

Cả WHO và CDC đều khuyến cáo: Vaccine COVID-19 có thể tiêm cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích mang lại cao hơn rủi ro, đặc biệt với người có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19. Tiêm phòng COVID-19 trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ sinh non, ngăn ngừa nhiễm virus ở người mẹ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kháng thể do vaccine COVID-19 tạo ra có thể đi qua nhau thai, đặc biệt ở những người được tiêm chủng sớm trong thai kỳ và những người đã tiêm cả hai liều trước khi sinh. Những kháng thể này được kỳ vọng có thể cung cấp cho trẻ một số biện pháp bảo vệ chống lại COVID-19 trong vài tháng đầu đời. 

3. Tính an toàn, hiệu quả của tiêm chủng vaccine​​​​​​​ COVID-19 đối với phụ nữ mang thai 

Nghiên cứu mới nhất của CDC chứng minh rằng phụ nữ mang thai có phản ứng miễn dịch với vaccine tương tự với phụ nữ không mang thai, do đó có khả năng bảo vệ tương tự chống lại COVID-19. Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra các kháng thể được tạo ra từ việc tiêm chủng đi qua nhau thai và có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ cho trẻ sơ sinh. 

Phụ nữ mang thai nên là nhóm ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID-19 và nên được tiêm chủng sau tuần thứ 13 của thai kỳ.

Các chuyên gia cho biết, các loại vaccine phòng COVID-19 được sử dụng hiện nay đều trải qua quy trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt của WHO và Bộ Y tế Việt Nam. Đặc biệt, tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 không chứa vi rút sống rất an toàn, không gây bất kỳ rủi ro sức khỏe nào đến người mẹ, thai kỳ và em bé. 

Tại Việt Nam, loại vaccine được chỉ định cho phụ nữ mang thai gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Chống chỉ định với vaccine Sputnik. Phụ nữ mang thai cần thăm khám bác sĩ sản khoa trước khi tiêm chủng. Phụ nữ mang thai nên thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về lợi ích của việc tiêm chủng và cả những rủi ro tiềm ẩn.

4. Những khuyến nghị dinh dưỡng dành cho phụ nữ mang thai trong mùa dịch

Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, nếu người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch…. Ví dụ, thiếu acid folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ. Bổ sung vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, iốt và folate cũng rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai.

Để bảo vệ sức khỏe tốt trong mùa dịch, phụ nữ mang thai cần đảm bảo lượng thức ăn lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các mẹ bầu cần biết và chuẩn bị:

  • Chế độ ăn đầy đủ chất, cân đối các chất dinh dưỡng: đạm, bột đường, béo, rau xanh, trái cây để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt là giai đoạn 03 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần ăn các thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn bổ do nhu cầu năng lượng tăng cao cho sự phát triển nhanh của thai nhi.
  • Thức ăn giàu đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Đây là các thực phẩm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Đồng thời, các thực phẩm này cung cấp đa dạng khoáng chất như canxi, photpho giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ.
  • Viên uống chứa vitamin và khoáng chất đáp ứng nhu cầu cần thiết trong thai kỳ như sắt, acid folic, canxi, vitamin D, DHA/EPA, vitamin B và đặc biệt là các vitamin & khoáng chất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng trong mùa dịch như vitamin C, vitamin A, vitamin E, kẽm….

Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ cần đến bệnh viện để khám thai vào các mốc quan trọng, gồm thai khoảng 12 tuần; 20-22 tuần; 28-30; 36 tuần đến khi sinh.

Nguồn tham khảo

1.Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Pregnant and Recently Pregnant People 

2.Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Science Brief: Evidence used to update the list of underlying medical conditions that increase a person’s risk of severe illness from COVID-19 

3. World Health Organization. Multiple micronutrient supplementation during pregnancy 

4.Bộ T tế, Hướng dẫn mới nhất: Phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vaccine COVID-19 Sputnik V

5. Bộ Y tế, Hướng dẫn quốc gia – Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú 

Hoài Linh

 width=TƯ VẤN DINH DƯỠNG TỪ CHUYÊN GIA

Thạc sĩ: Hoàng Ngọc Lan

  • Thạc sĩ Giáo dục sức khỏe và thay đổi hành vi tại Đại học South Carolina, Hoa Kỳ
  • Cử nhân Dinh dưỡng & Tiết chế tại Đại học Flinders, Úc
  • Chuyên gia dinh dưỡng Nutricare
5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment