Bác sĩ Nguyễn Đức Minh: 25 năm suy tư về “Dinh dưỡng cho người Việt”

5/5 - (1 vote)

bác sĩ nguyễn đức minh

 width=

Vnexpress – Năm 1935, các nhà khoa học Anh ở vùng thuộc địa Gold Coast – một phần lãnh thổ Ghana tại Phi Châu ngày nay – mô tả về một chứng bệnh ở trẻ nhỏ tên là “kwashiorkor”. Trong tiếng Ga bản địa, kwashiorkor nghĩa là “bệnh của một đứa trẻ khi em nó ra đời”.

Những đứa trẻ này, khi người mẹ sinh thêm em khi còn quá nhỏ, sẽ phải cai sữa sớm và chuyển sang một chế độ “ăn dặm” hoàn toàn bằng bột ngô nghiền. Ban đầu, chúng tỏ ra bình thường. Nhưng chỉ sau một thời gian, những em bé bị kwashiorkor sẽ ngừng tăng cân, hay quấy khóc, những chỗ sưng phù bắt đầu xuất hiện ở tay, chân, mặt.

Kwashiorkor sau này trở thành tên chính thức của suy dinh dưỡng thể phù do thiếu protein huyết tương. Và với cái tên trong tiếng Ga, như một ẩn dụ, căn bệnh này luôn gắn chặt với bối cảnh kinh tế và xã hội của những vùng đất nghèo trên khắp thế giới, từ châu Phi đến Mỹ Latinh – nơi thức ăn chủ yếu cho trẻ sau cai sữa là các loại tinh bột. Chúng nhanh chóng trở thành những “bé bột”, thoạt nhìn bụ bẫm, nhưng cơ nhão nhoét và nội tạng tổn thương.

Sáu thập kỷ sau, cách Ghana mười bốn nghìn cây số, ở một vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Đức Minh vẫn nhìn thấy những đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng vì nhận thức của người lớn. Trong ký ức của ông, vẫn còn nguyên khoảnh khắc mình đã vuốt mắt cho những đứa trẻ như thế.

"
nhà bác đủ ăn không

Đó là năm 1996, Minh vừa ra trường và trở thành một bác sĩ. Ông tự nhận mình có một tuổi thơ “êm đềm” ở một thị trấn nhỏ miền núi, cha mẹ làm cán bộ và “không phải ăn độn”. “Lúc đó làm gì có khái niệm dinh dưỡng, chỉ có đủ ăn”, bác sĩ Minh mô tả tâm lý của thập kỷ 70, “Ngay cả từ dinh dưỡng cũng không ai dùng. Người ta hỏi nhau nhà bác có đủ ăn không, Tết đến thăm nhau hỏi năm vừa rồi có đủ ăn không”.

Đủ ăn đơn giản là không cảm thấy đói. Trong nhiều thập niên, với sự kiệt quệ vì chiến tranh và cấm vận, đây là tiêu chí sống quan trọng nhất đại đa số người Việt Nam có thể quan tâm. Cảm giác “no” được tạo ra, hay thậm chí mô phỏng bằng nhiều nguồn tinh bột, bo bo hay thậm chí chuối xanh, cho người lớn, cho cả những đứa trẻ sau này sẽ bị suy dinh dưỡng nặng.

Thập kỷ 70, 80 qua đi, Đổi Mới diễn ra; thập kỷ 90 khởi động cùng với việc dỡ hàng rào cấm vận; kinh tế được cải thiện, nhưng rồi “đủ ăn” vẫn là một khái niệm đầy quyền lực trong tập quán Việt Nam.

Người Việt ở nhiều nơi vẫn lấy “no” làm tiêu chí sống. “Ngay cả khái niệm đạm người ta cũng không dùng”, trong vai trò một thành viên của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Nguyễn Đức Minh nhận ra rằng cải thiện dinh dưỡng cho người Việt Nam là một cuộc chiến kép: một mặt, là cuộc vật lộn với điều kiện kinh tế; nhưng ngay cả khi có kinh tế rồi, còn có một mặt trận khác của nhận thức.

Thời bác sĩ Minh bắt đầu đi làm, ở nhiều vùng Việt Nam, các bà đẻ vẫn bị bố mẹ chồng bắt ăn kiêng. Một số vùng họ kiêng ăn ốc, ăn lươn, ăn chua. Một số vùng quan niệm không bồi dưỡng bà bầu, vì con to đẻ khó, nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ lẫn con, ” người chửa cửa mả”. Ông đo thấy những thai phụ ở tuổi 19, đang mang thai nhưng vẫn tiếp tục cao thêm – ở cái tuổi mà đáng ra người ta phải phát triển đầy đủ về thể chất rồi, nhưng vì thiếu ăn nên có bầu rồi cơ thể vẫn chưa đủ chất, vẫn trưởng thành tiếp.

Thời đó, việc của các cán bộ dinh dưỡng là đến từng địa phương, làm những công việc mà ngày nay tưởng như là tất yếu: dạy phụ sản đập thêm một quả trứng gà, cho thìa dầu ăn cho vào bột ăn dặm của trẻ; dán những tháp dinh dưỡng lên trụ sở trạm xá hay trường học.

Người dân nhiều nơi còn phản kháng. Trứng gà tanh. Trẻ con ăn bột không vẫn “no”. Năm 1995, các học giả quốc tế đã bắt đầu gọi Việt Nam là “con rồng mới”. Nhưng ở các làng quê, chàng bác sĩ trẻ vẫn nhìn thấy những đứa trẻ bị kwashiorkor hay marasmus, suy dinh dưỡng thể teo đét. “Chúng mang những bộ mặt của ông già. Không có mỡ dưới da, da dính hết vào xương sọ”, bác sĩ Minh nhớ về gương mặt những đứa trẻ mình đã thấy.

"

“Ở rất nhiều vùng họ coi trẻ như người trưởng thành nhỏ. Gia đình ăn gì thì nó ăn đấy. Chưa ăn được cơm thì ăn cháo. Ăn được cơm thì ngồi cùng mâm. Người lớn chan canh thì nó cũng chan canh”.

Cuộc chiến với nhận thức kéo dài. Có những dự án tặng người dân vài con gà siêu trứng, để nuôi, lấy trứng cho trẻ con ăn. Nhưng trong ngày nhận, đàn gà đã hụt mất một con: người bố đã thịt ngay uống rượu.

Trong suốt 15 năm, chàng trai trẻ cứ đi khắp miền tổ quốc và chứng kiến những vấn đề dinh dưỡng của người Việt. Người bác sĩ trung thành với nhiệm vụ, nhưng từ những năm 97, 98, anh đã tin rằng còn những cách khác để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam; hơn là chỉ trông vào việc cải thiện nhận thức của những ông bố bà mẹ. Nhưng thời điểm ấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Minh chưa nhìn ra giải pháp đó là gì. Người dân khi ấy mới bắt đầu lác đác biết đến “vi chất dinh dưỡng” qua những chương trình tuyên truyền về vitamin A của UNICEF, hay là iod của chính phủ.

Lại thêm một thập kỷ nữa, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á và sự thành công của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, nhận thức dần được cải thiện. Những từ vựng từng là xa xỉ như “dinh dưỡng”, “vitamin”, “iod” hay “đạm” trở thành hiển nhiên. Người Việt hiểu rằng họ không chỉ cần ăn no, mà còn ăn đủ chất.

Nhưng thế nào là đủ chất? Đó lại là lúc bác sĩ Nguyễn Đức Minh nhìn rõ thêm vấn đề. “Có những thứ chỉ thay đổi nhận thức là cải thiện được. Có những thứ nhận thức không giải quyết nổi”, ông nghĩ. Ông nêu ra một ví dụ: selen, một khoáng chất thiết yếu giúp bảo vệ cơ thể trước các gốc tự do, qua đó phòng chống một số bệnh mãn tính như: Ung thư, tim mạch…nhưng được ít người biết tới. Cơ thể người Việt rất dễ thiếu selen, nhưng rất khó nhận biết, “vì chúng ta không bao giờ được học về những điều đó”.

“Để cứu những đứa trẻ suy dinh dưỡng, chỉ dạy bố mẹ chúng thì không giải quyết được vấn đề”, bác sĩ Minh đúc rút.

công thức cho người việt

Năm 2008, HEMA – một dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người nghèo do Cộng đồng chung châu Âu tài trợ – đặt bác sĩ Nguyễn Đức Minh tư vấn một công thức dinh dưỡng nhằm phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng Việt Nam.

Bác sĩ Minh là một người yêu nghiên cứu. Mỗi lần ngồi vào bàn đọc tài liệu khoa học, nghiên cứu các công thức dinh dưỡng, ông ngồi lì nhiều tiếng đồng hồ để tìm, phân loại, kiểm chứng các ngưỡng đáp ứng dinh dưỡng ở những cộng đồng khác nhau, nhiều lần phải vịn bàn lảo đảo đứng dậy. Ông nhận lời với HEMA: đây là lần đầu tiên những trăn trở suốt 10 năm qua có triển vọng đi vào thực tế.

Việc có một công thức hỗ trợ dinh dưỡng riêng cho trẻ em tại từng quốc gia là điều thế giới đã làm từ lâu, nhưng tại Việt Nam, trong hiểu biết của bác sĩ Minh, việc này chưa có tiền lệ. Ông nhớ, mình đã đọc không dưới 50 công trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của thế giới để tìm ra công thức dinh dưỡng riêng cho trẻ em Việt Nam. “Mỗi lần đứng dậy là chóng mặt”. Cái máy tính thập niên trước không đủ khỏe, thường nóng đến mức sập nguồn.

"

Đó là thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Kinh tế Việt Nam là một điểm sáng ở châu Á. Không còn những “bé bột” chỉ được ăn dặm bằng cháo, nhưng những định kiến vẫn còn tồn tại. Nhiều người bắt đầu bổ sung dinh dưỡng cho con bằng sữa nhập ngoại, mà không biết rằng đó là những công thức được viết riêng cho trẻ con bản địa.

Bác sĩ Minh ví dụ, ở một quốc đảo như Nhật Bản, nơi iod từ thực phẩm thường ngày (cá biển) là rất dồi dào, thì vi chất này lại không phải thứ được ưu tiên bổ sung cho sữa công thức – trong khi trẻ em Việt Nam lại cần. Việt Nam cần công thức riêng, căn cứ vào khẩu phần ăn, mô hình bệnh tật, môi trường và văn hóa riêng của mình.

Nhưng rồi công thức của bác sĩ Nguyễn Đức Minh cũng chỉ gói trong khuôn khổ dự án. Cộng đồng chung châu Âu đã tiêu tới 15 triệu USD, nhưng cũng chỉ có hơn 30.000 đứa trẻ được hỗ trợ dinh dưỡng; hoạt động còn lại chủ yếu vẫn là nâng cao nhận thức. Định mệnh của công thức này, là được cất vào ngăn tủ.

Câu chuyện tưởng đến đấy là hết. Năm ấy, bác sĩ Nguyễn Đức Minh là viện phó của một Viện nghiên cứu nhà nước, đã có một phòng khám ở trung tâm Hà Nội và một cuộc sống ổn định.

Nhưng thôi thúc đưa những công thức dinh dưỡng riêng của người Việt đến với người Việt vẫn cháy trong người bác sĩ. Sau 15 năm sống trong môi trường của các dự án chính phủ và phi chính phủ, ông nhìn thấy cơ hội ở bên kia chân trời: thị trường.

Một ngày tháng 10 năm 2010, ông Minh quyết định tập hợp một nhóm bạn lại để trình bày về triển vọng của một dòng sữa công thức dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng tại Việt Nam. Cho đến thời điểm ấy, các hãng sữa lớn trên thế giới đều sử dụng công thức chung được thiết kế cho các vùng địa lý, chứ không phải cho từng quốc gia.

Bạn bè người có tiền, người muốn có tiền thì phải cầm cố chính cái nhà đang ở, nhưng đều tin vào vị bác sĩ trước mặt, và hàng nghìn giờ nghiên cứu ông đã bỏ ra. Họ tin rằng một sản phẩm như thế xứng đáng tồn tại.

care 100 plus

Công ty Nutricare ra đời. Sản phẩm đầu tiên tên là Care 100, được xây dựng từ chính công thức tưởng chừng đã phải “vào ngăn tủ” mà bác sĩ Minh đã viết cho dự án của châu Âu từ 2 năm trước.

anh tạo ra giá trị gì

Công ty bắt đầu với một khu sản xuất chỉ hơn hai trăm mét, thuê với giá rẻ nhờ một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của cộng đồng chung châu Âu (EC). Quy mô nhỏ, nhưng lô sữa đầu tiên của Nutricare đã đầy đủ các tiêu chuẩn ISO 22000 -2005, GMP, HACCP.

Nutricare không chi một đồng quảng cáo nào trong 2 năm đầu tiên. Nhưng rồi tốc độ tăng trưởng tính theo tháng. Dù đầu tiên chỉ bán cho người quen, “người ta mách nhau kinh khủng”, bác sĩ Minh nhớ. Những bà mẹ nhận ra hiệu quả của sữa Care 100 trên đứa con: họ không biết đằng sau nó là một công trình khoa học như thế nào, nhưng họ thấy con thích uống, con ăn tốt hơn, và những đứa trẻ suy dinh dưỡng thường bị táo, thì nay không bị nữa.

Hai khu sản xuất, rồi mở rộng sang ba khu sản xuất, sữa của Nutricare thường xuyên không có đủ hàng để bán. Chỉ sau hai năm, quy mô khu tổ hợp sản xuất đã tăng lên 6.000 mét vuông; và sau 5 năm, bác sĩ Minh và các đồng đội đã xây dựng được nhà máy riêng cho Nutricare.

Lại một lần nữa câu chuyện có thể kết thúc. Doanh nghiệp có chỗ đứng, vị chuyên gia đưa công thức của mình vào thực tiễn, người Việt Nam có thêm một giải pháp cho dinh dưỡng trẻ em.

Nhưng sau 10 năm, người bác sĩ vẫn mang nhiều trăn trở giống với 25 năm về trước. Vẫn có những nhóm người Việt chưa được đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, và ông vẫn có thể giải quyết chúng bằng khoa học. Nutricare có danh mục sản phẩm dày nhất trên thị trường: công ty của bác sĩ Nguyễn Đức Minh có cả sản phẩm sữa dinh dưỡng dành riêng cho người bị bệnh thận, bệnh gan, bị K, bị tuyến giáp… Và trong đó có cả những phép toán phản thị trường: có những dòng sản phẩm phục vụ nhóm đối tượng nhỏ tới mức, mỗi tháng chỉ bán được 4-5 thùng, trong khi dây chuyền sản xuất cứ bật lên là vận hành với khối lượng lớn. Làm là lỗ. Vận chuyển và phân phối những dòng sản phẩm như thế, thì “cực kỳ khổ”.

châm ngôn bác sĩ nguyễn đức minh

“Sản phẩm dành cho trẻ nhỏ bị trào ngược, mỗi tháng chỉ bán được 4-5 thùng. Đứa trẻ nhỏ thì không ăn được mấy, và khi trẻ hoàn thiện cơ hoành và dây X thì thôi nó không dùng nữa”, ông Minh phân tích, “Nhưng câu chuyện là tôi không chọn sản phẩm hay dịch vụ nào để kinh doanh, mà chọn phục vụ nhu cầu nào để tạo ra giá trị. Có những cái biết là thiệt vẫn phải làm”.

“Người lao động của Nutricare cũng có nhu cầu hiểu là ơ thế chúng tôi làm cái gì, sản xuất thuốc súng hay là rượu, hay là tạo ra cái gì để chăm sóc sức khỏe, nó khác nhau”, vị bác sĩ lý giải thêm từ góc độ xây dựng tổ chức.

Đôi lúc, diễn ra cuộc xung đột giữa một vị CEO và một nhà nghiên cứu. “Đến giờ mình vẫn bị giằng xé bởi chuyện phục vụ hay là kinh doanh”, ông chia sẻ, nhưng rồi vẫn duy trì các dòng sữa dinh dưỡng phục vụ cho nhóm nhỏ, như bệnh tuyến giáp. “Mình thấy thị trường không ai làm thì mình làm thôi”. Động cơ để làm những sản phẩm như thế, với động cơ làm ra sữa Care 100, thứ đã chinh phục thị trường và làm ra cả một cơ nghiệp, theo ông là “giống nhau”.

“Có những cái anh phải cam kết cho đi, vì nó nói lên sự tồn tại của anh có ý nghĩa như thế nào”, vị bác sĩ kết luận về hành trình 10 năm của Nutricare, và những công thức dinh dưỡng cho người Việt, “Lý do để doanh nghiệp tồn tại chỉ duy nhất khi anh tạo ra một giá trị gì đấy cho xã hội và cộng đồng”.

thạc sĩ dinh dưỡng bác dĩ nguyễn đức minh

Nguồn: https://vnexpress.net/bac-si-nguyen-duc-minh-25-nam-suy-tu-ve-dinh-duong-cho-nguoi-viet-4176018.html?fbclid=IwAR2xGxE69thEsWm7NfaIGkhYZ18KkkUYCI0Ki1SUniQyM_PULYx9Qk-vm3w

 

5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment