Dấu hiệu các dạng biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

3.5/5 - (4 votes)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Văn Hoan.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương của dây thần kinh. Do đó người bệnh nên nắm rõ những triệu chứng của bệnh để thăm khám và chẩn đoán kịp thời tránh hậu quả nghiêm trọng như cắt cụt chi, liệt dạ dày, hôn mê hạ đường huyết, teo cơ,…

Có thể bạn quan tâm:

1. Tỷ lệ người tiểu đường mắc biến chứng thần kinh

Đường huyết tăng cao là yếu tố gây tổn thương các dây thần kinh và mao mạch nuôi dưỡng dây thần kinh đó. Bởi vậy, người bệnh tiểu đường có nguy cơ biến chứng thần kinh cao gấp 23 lần so với bình thường và trung bình có đến khoảng 60 – 70% bệnh nhân tiểu đường mắc biến chứng thần kinh. Phần lớn người bệnh thường gặp biến chứng về thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật.

Biến chứng thần kinh
Tỷ lệ mắc biến chứng thần kinh cao hơn ở người tiểu đường

Có thể bạn quan tâm:

Thời gian biến chứng của bệnh tiểu đường

2. Nguyên nhân biến chứng thần kinh tiểu đường

Cơ chế cụ thể gây biến chứng thần kinh tiểu đường hiện vẫn chưa được biết rõ. Nhưng tuy nhiên, một số nguyên nhân và yếu tố chính gây ra biến chứng đó là:

  • Nồng độ Glucose cao gây tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh, ảnh hưởng đến sự cung cấp dưỡng chất và oxy. Đồng thời đường huyết cao cũng làm tăng nguy cơ sinh ra các chất độc với thần kinh, làm chậm hoặc mất khả năng dẫn truyền.
  • Phản ứng tự miễn gây viêm: Do hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt và cho rằng dây thần kinh là các kháng nguyên lạ, dẫn đến các chất tự miễn được tăng cường sản sinh để tấn công dây thần kinh gây tổn thương, viêm.
  • Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá là chất có hại cho hệ thần kinh của con người khi sử dụng lâu dài. Không chỉ vậy, thành phần này còn có tác động gây cứng, hẹp mạch máu, càng làm tăng thương tổn đến dây thần kinh ở các chi.
  • Làm dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát đường huyết. Uống nhiều rượu, bia sẽ gây tăng đường huyết, lâu ngày dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng thần kinh.
  • Mắc kèm bệnh lý khác như bệnh thận, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn tim mạch,… Đây là những yếu tố làm tăng tổn thương thần kinh ở người tiểu đường.
  • Tuổi cao: Tuổi càng cao hệ miễn dịch và chức năng của các cơ quan càng suy giảm. Do đó tỷ lệ mắc biến chứng thần kinh ở đối tượng này cũng tăng lên.
Đường huyết cao thúc đẩy biến chứng thần kinh tiểu đường
Đường huyết cao là yếu tố thúc đẩy biến chứng thần kinh tiểu đường

Có thể bạn quan tâm:

Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường

3. Phân loại và biểu hiện của biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Biến chứng thần kinh tiểu đường có thể xảy ra ở nhiều cơ quan, nhiều vị trí với các triệu chứng khác nhau. Do đó việc nhận biết các biểu hiện để phát hiện sớm bệnh rất quan trọng. Một số biểu hiện thường gặp trong biến chứng thần kinh tiểu đường:

3.1. Biến chứng thần kinh ngoại vi

Đây là biến chứng thường gặp nhất ở người tiểu đường. Biến chứng ảnh hưởng tới dây thần kinh đầu chi trên và chi dưới.

Biểu hiện bệnh ở vị trí bàn ngón tay, chân:

  • Ngứa ran, cảm giác châm chích, tê tay chân, đau, mất cảm giác nhiệt độ, xúc cảm,…
  • Các tình trạng nặng hơn: Loét bàn chân tiểu đường, trật khớp, gãy xương, teo cơ, giảm phản xạ gân xương,…
  • Hậu quả nặng nề của biến chứng thần kinh có thể gặp phải đó là hoại tử, cắt cụt chi.
Biến chứng thần kinh ngoại vi
Biến chứng thần kinh ngoại vi có biểu hiện ở tay và chân

3.2. Biến chứng thần kinh tự chủ

Dây thần kinh tự chủ bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như: tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, tuyến mồ hôi, mắt, cơ quan sinh dục. Một số biểu hiện của biến chứng:

  • Trên hệ tiêu hóa: Khó nuốt, đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, đi tiểu không tự chủ,…
  • Trên hệ tim mạch: Chóng mặt khi thay đổi tư thế, hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh,…
  • Trên hệ tiết niệu: Tiểu không kiểm soát, tiểu đêm nhiều, tiểu dắt, bí tiểu, dòng nước tiểu yếu.
  • Trên hệ sinh dục: Ở nam giới có triệu chứng rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng. Ở nữ giới có biểu hiện như giảm ham muốn, giảm tiết dịch nhờn, khô âm đạo,…
  • Trên tuyến mồ hôi: Tăng tiết hoặc giảm tiết mồ hôi bất thường.
  • Trên mắt: Mất phản xạ với ánh sáng, bóng tối, giảm thị lực,…
Biến chứng thần kinh tự chủ
Biến chứng thần kinh tự chủ gây tác động đến nhiều cơ quan trên cơ thể

3.3. Biến chứng thần kinh cục bộ

Biến chứng thần kinh cục bộ là tình trạng tổn thương 1 dây thần kinh đơn lẻ. Ảnh hưởng có thể là thần kinh chi dưới, sọ não, thân mình,…

Triệu chứng bệnh:

  • Người bệnh cảm thấy đau ở vị trí dây thần kinh bị tổn thương như: đau vùng ngực, bụng, đau cẳng chân, đau bàn chân,…
  • Cảm giác tê ngón tay, cảm giác yếu khi cầm đồ vật,…
  • Liệt dây thần kinh 1 bên

3.4. Biến chứng đám rối – rễ thần kinh

Biến chứng xảy ra ở đám rối thắt lưng cùng gây tổn thương dây thần kinh ở hông, mông, đùi, cẳng chân.

Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên chân với biểu hiện:

  • Đau đột ngột ở bụng, đùi
  • Cơ đùi, cơ chân yếu, teo cơ
  • Khó khăn trong vận động, thay đổi tư thế
  • Sụt cân
  • Chướng bụng
Triệu chứng của biến chứng đám rối
Chân yếu, teo cơ, đau,… là những triệu chứng của biến chứng đám rối – rễ thần kinh

3.5. Biến chứng dây thần kinh sọ não

Biến chứng gây tổn thương dây thần kinh sọ số 3, số 4 hoặc số 6. Với biểu hiện triệu chứng:

  • Tổn thương dây thần kinh sọ số 3: Nhìn đôi, đồng tử không đều, sụp mi.
  • Tổn thương dây thần kinh sọ số 4 hoặc số 6: Liệt vận nhãn.

4. Phương pháp phát hiện biến chứng thần kinh tiểu đường

Biểu hiện biến chứng của biến chứng thần kinh tiểu đường có thể xuất hiện nhiều triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau. Bên cạnh đó, ở giai đoạn sớm người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc khó phát hiện.

Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm để bác sĩ có thể theo dõi và phát hiện bất thường thông qua các biện pháp kiểm tra, một số phương pháp cụ thể:

  • Phát hiện biến chứng thần kinh ngoại vi: Thăm khám tìm các tổn thương ở chân như vết chai, vết khô nứt, mụn nước,… Hoặc bác sĩ sử dụng 1 sợi cước ngắn để chạm vào 1 số điểm ở bàn chân, nếu người bệnh không cảm nhận được thì có thể có tổn thương thần kinh ngoại vi.
  • Phát hiện biến chứng thần kinh tự chủ: Kiểm tra về sự tiết mồ hôi của da, huyết áp thay đổi tư thế,…
  • Biện pháp khác: Đo điện cơ, định lượng cảm giác về độ rung và sự thay đổi về nhiệt, đo vận tốc dẫn truyền thần kinh.
Kiểm tra các dấu hiệu mất cảm giác bàn chân
Kiểm tra các dấu hiệu mất cảm giác bàn chân giúp phát hiện biến chứng ngoại vi tiểu đường

5. Điều trị biến chứng thần kinh tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, chủ yếu các phương pháp nhằm đến các mục đích sau:

Làm chậm diễn tiến bệnh: Bao gồm các biện pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết.

  • Biện pháp sử dụng thuốc: Tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định nhằm kiểm soát đường huyết ở mức là đường huyết khi đói: 70 – 130mg/dL, đường huyết sau ăn 2 giờ: <180mg/dL, HbA1c <7%.
  • Biện pháp không sử dụng thuốc bao gồm: Ăn uống điều độ, luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng, không hút thuốc lá, không uống rượu bia,…

Giảm đau: Tùy thuộc vào tình trạng và vị trí biến chứng, người bệnh sẽ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc thường dùng: Thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc giảm đau dạng tramadol, miếng dán tẩm Lidocain, kem thoa Capsaicin,…

Điều trị biến chứng và phục hồi chức năng cần được thực hiện với một số biến chứng thần kinh như bệnh lý bàn chân gây phải cắt cụt chi, bàng quang thần kinh, rối loạn cương dương, rối loạn nhu động,… Do những biến chứng thần kinh này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh, nên cần theo dõi điều trị và phục hồi chức năng tại các cơ sở chuyên khoa.

Kiểm soát đường huyết ổn định
Kiểm soát đường huyết ổn định là biện pháp giúp ngăn ngừa và làm chậm diễn tiến biến chứng thần kinh tiểu đường

Có thể bạn quan tâm:

Biến chứng của tiểu đường tuýp 2

6. Phòng ngừa biến chứng thần kinh tiểu đường

Mặc dù biến chứng thần kinh tiểu đường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy hãy thực hiện chế độ ăn kiêng bệnh tiểu đường và những biện pháp sau để ngăn ngừa biến chứng ở người tiểu đường:

  • Kiểm soát tốt đường máu: Đường huyết cao là nguyên nhân gây ra tổn thương dây thần kinh và gây ra biến chứng bệnh. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc nhằm mục đích kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu.
  • Kiểm soát huyết áp: Duy trì huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg (hoặc mức mục tiêu mà bác sĩ đặt ra) bằng cách sử dụng thuốc đúng theo chỉ định, thực hiện chế độ ăn nhạt, tăng luyện tập thể dục,…
  • Chế độ ăn lành mạnh: Bao gồm nhiều rau xanh không chứa tinh bột, Protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, cá, ăn ít muối. Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cũng rất quan trọng để kiểm soát cân nặng và đường huyết.
  • Luyện tập thể lực: Giúp tăng cường sức khỏe, giảm cân và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Người bệnh nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Giảm cân: Béo phì, thừa cân (BMI>25) là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tiểu đường. Vì vậy cần thực hiện giảm cân và duy trì cân nặng thích hợp.
  • Ngưng hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến tình trạng thiếu oxy trong máu, đồng thời thành phần trong thuốc lá cũng tạo ra các gốc tự do. Điều này càng làm tăng thêm tổn thương dây thần kinh.
  • Không uống rượu bởi đây cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng tới quá trình kiểm soát đường huyết.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo sữa dinh dưỡng Glucare Gold cho người bệnh tiểu đường để giúp bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ giảm nguy cơ tăng đường huyết sau uống, ngăn ngừa biến chứng bệnh.

Glucare Gold có chỉ số GI thấp đã được chứng minh lâm sàng cùng hệ bột đường Glucare hấp thu chậm (Isomaltulose & Erythritol) giúp ổn định đường huyết sau uống. Đạm Whey, Đạm thực vật dễ hấp thu cùng với 56 dưỡng chất hỗ trợ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra sữa còn chứa Omega 3,6,9 và hệ Antioxidants (Vitamin A, C, E & Selen) tốt cho tim mạch, giúp giảm biến chứng tim mạch, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

Sữa Glucare Gold
Glucare Gold – Sản phẩm dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường

Hãy tham khảo những thông tin trong bài viết để nhận biết dấu hiệu biến chứng thần kinh của tiểu đường. Đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn biến chứng để giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể ghé thăm trang web của sản phẩm sữa Glucare Gold để tham khảo một trong những sản phẩm tốt nhất cho việc bổ trợ sức khỏe trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Nutricare luôn sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp và tư vấn các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe cho bạn và những người thân yêu.

Hãy truy cập fanpage Nutricare hoặc gọi tới hotline 18006011 nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp về vấn đề dinh dưỡng cho người tiểu đường bạn nhé!

BS CK II BÙI HỒNG THANH

3.5/5 - (4 votes)

Bác sĩ Chuyên khoa II  Bùi Hồng Thanh có 5 năm làm công tác dự phòng, 20 năm làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện và 13 năm giảng dạy ở trường cao đẳng y khoa Hà Đông, Hà Nội.

Quá trình đào tạo

  • 2009: Bác sỹ CK II – Đại học Y Hà Nội
  • 2005: BSCK I – ĐHY Thái Nguyên
  • Chứng chỉ dược lâm sàng
  • Chứng chỉ Phương pháp giảng dạy lâm sàng
  • Chứng chỉ Sư phạm Y học cơ bản

Quá trình công tác

  • 2020 – nay : Chuyên gia tư vấn sức khỏe tại Công ty cổ phần Nutricare
  • 2009 – nay: Giảng viên chính trường cao đẳng Y tế Hà Đông – Hà Nội;
  • 1988 – 2009: Bác sỹ, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tỉnh Yên Bái;
  • 1983 – 1988. Bác sỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái
3.5/5 - (4 votes)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment