10 Sai Lầm Khi Chế Biến Và Bảo Quản Thực Phẩm

5/5 - (1 vote)

Bạn rửa tay trước khi nấu bếp và dùng thớt riêng cho rau xanh và thịt sống. Đó là tất cả những điều cơ bản nhất bạn biết về an toàn thực phẩm?

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong năm 2015, cả nước ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.965 người mắc, 23 người tử vong. Tuy nhiên, còn rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cộng đồng chưa được thống kê đầy đủ

Chúng ta vẫn thường đánh giá quá thấp nguy cơ từ các tác nhân có sẵn trong nhà bếp, trong khi lại quá lo lắng về các loại vi khuẩn lành tính có trong môi trường. Dưới đây là 11 sai lầm thường mắc phải trong quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm mà không phải ai cũng biết.

Sai lầm số 1: Cắt dưa mà không rửa dưa trước

Bạn mua được một quả dưa hấu đỏ tươi, và bạn đặt nó trên một cái thớt sạch, cắt nó bằng một con dao sạch? Bạn có thể sẽ khiến các vi khuẩn có hại ở bên ngoài vỏ dưa bám vào phần dưa mà bạn sắp ăn. Trong một thống kê năm 2010 của FDA, trên 4.500 người, gần 100% số người được hỏi khẳng định rằng họ rửa cà chua trước khi nấu hoặc trước khi ăn, nhưng chỉ có 51% số người nói rằng họ rửa dưa trước khi bổ. Một năm sau đó, tại Mỹ, dưa đỏ bẩn đã liên quan đến một vụ dịch nhiễm Listeria làm 33 người tử vong và gần 150 người nhiễm bệnh. Do vậy, bạn nên nhớ rằng, tất cả những loại thực phẩm tươi sống, bao gồm cả các loại trái cây, có thể chứa các loại vi khuẩn có hại ở bên ngoài vỏ.

Giải pháp: Rửa những loại thực phẩm này dưới vòi nước chảy trước khi gọt vỏ, cắt, nấu ăn hoặc ăn sống. Đối với những loại trái cây có vỏ sần sùi hoặc cứng chắc như dưa vàng, dưa chuột, bạn có thể sử dụng bàn chải để chà bên ngoài vỏ.

Sai lầm số 2: Tích trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh

Nhiều người có thói quen tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, họ tích trữ nhiều đến nỗi không thể tìm thấy chỗ trống trong tủ lạnh nữa. Nhưng, chính vì thói quen này mà khí lạnh không thể lưu thông trong tủ lạnh được, tủ lạnh sẽ bị nóng lên, và các vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ bắt đầu phát triển nhanh hơn. Đa số các loại tủ lạnh thông dụng hiện nay không hiển thị nhiệt độ thực của tủ lạnh, nên bạn không thể biết được khi nào tủ lạnh sẽ bị nóng lên.

Giải pháp: Theo khuyến nghị của FDA, nếu tủ lạnh có chế độ thiết lập nhiệt độ, hãy thiết lập tủ lạnh nhà bạn ở nhiệt độ 4.5 độ C trở xuống và sau đó, đặt thêm một chiếc nhiệt kế ở trong tủ để bạn có thể kiểm soát được nhiệt độ của tủ lạnh và điều chỉnh nếu cần thiết. Tránh tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ để khí lạnh có thể lưu thông.

 width=

Sai lầm số 3: Chỉ có một miếng rửa bát và không bao giờ thay

Bạn rửa bát đĩa và bồn rửa bằng một miếng rửa bát, sau đó, bạn để miếng rửa bát vẫn còn ẩm trong một chiếc khay có nữa ở nhiệt độ phòng để dùng cho những lần tiếp theo? Nếu bạn có thói quen này, thì chính bạn đang tạo ra môi trường để vi khuẩn có thể sinh sản.

Giải pháp: Đầu tiên, hãy sử dụng 2 miếng mút rửa bát có 2 màu khác nhau. Một miếng dùng để rửa bát đĩa, miếng còn lại dùng để lau rửa bồn rửa bát hoặc các khu vực quanh chỗ nấu nướng. Thứ hai, hãy khử trùng miếng rửa bát mỗi buổi tối, sau khi rửa bát xong như một thói quen hàng ngày. Cách khử trùng tốt nhất là cho những miếng rửa bát không chứa kim loại còn ướt vào trong lò vi sóng, quay ở nhiệt độ cao trong 1 phút để hơi nước bay hơi hoặc có thể để miếng rửa bát trong máy rửa bát (nếu nhà bạn có máy rửa bát).

Sai lầm số 4: Rửa thịt gà sống

Bạn rửa thịt gà sống rất kỹ, thậm chí còn ngâm thịt trong nước trước khi nấu? Làm như vậy, bạn đã khiến toàn bộ bồn rửa của mình dính vi khuẩn không nhìn thấy được bằng mắt thường từ thịt gà!

Giải pháp: Không rửa thịt gà. Bất cứ thứ gì còn dính lại trên thịt gà cũng sẽ bị tiêu diệt nếu được nấu chín. Kể cả khi bạn rửa thịt gà dưới vòi nước và để nước chảy rất chậm thì bạn vẫn gây ra những tác động khiến vi khuẩn có thể bắn ra xung quanh và làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Sai lầm số 5: Bảo quản trứng ở ngăn cánh tủ lạnh

Hầu như tất cả các loại tủ lạnh đều thiết kế ngăn dành riêng cho việc bảo quản trứng ở phần cánh tủ, do vậy, bạn đơn giản chỉ là dùng đúng như thiết kế? Nhưng sẽ có một vài vấn đề xảy ra với việc này. Trước hết, phần cánh tủ là phần nóng nhất của tủ lạnh và bạn sẽ không thể biết được khi nào trứng của bạn hết hạn sử dụng. Và bạn cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn của tủ lạnh nếu giữ trứng ở phần cánh tủ.

Giải pháp: Bạn nên bảo quản trứng ở phần mát nhất của tủ lạnh để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Phần cánh tủ không phải là khu vực an toàn vì nhiệt độ ở đây thường thay đổi mỗi khi bạn đóng/mở tủ lạnh. Nếu được, bạn hãy giữ trứng trong khay carton nguyên vẹn từ lúc mua để có thể kiểm tra hạn sử dụng và làm giảm khả năng trứng bị vỡ, nứt vỏ và có thể nhiễm vi khuẩn từ trong tủ vào trứng hoặc ngược lại, từ trứng vào tủ lạnh.

 width=

Sai lầm số 6: Nước trong nghĩa là thịt gà đã được nấu chín

Trong khi nấu thịt gà, bạn thường thử xem gà đã chín chưa bằng cách cắt ra một miếng thịt nhỏ. Nếu nước từ thịt chảy ra trong suốt, nghĩa là gà đã chín? Nhưng, điều đó là chưa đủ và món thịt của bạn có thể chưa chín hẳn và vẫn chứa salmonella.

Giải pháp: Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ thực phẩm và nấu thịt gà cho đến khi nhiệt độ bên trong thịt lên tới khoảng 75 độ C. Thịt gà chưa được nấu chín có thể liên quan tới việc nhiễm vi khuẩn salmonella, Staphylococcus, Listeria và E.coli.

Sai lầm số 7: Rã đông thịt trong bồn rửa hoặc bằng nước nóng

Khi bạn rã đông thịt trong bồn rửa, lớp ngoài cùng của thịt sẽ nóng lên tới nhiệt độ mà vi khuẩn có thể phát triển, trong khi phần trong cùng vẫn tiếp tục đang rã đông. Kể cả việc rã đông thịt bằng nước nóng cũng không tốt hơn.

Giải pháp: Có 3 cách để rã đông thịt an toàn: 1) Rã đông trong tủ lạnh. Cách này sẽ khiến bạn mất nhiều ngày mới có thể rã đông được một lượng thịt nhỏ. Sau khi rã đông, thịt có thể vẫn sử dụng được an toàn trong 1-2 ngày sau đó.2) Nước lạnh: Ngâm miếng thịt trong túi chống rỉ nước có đựng nước lạnh và thay nước mỗi 30 phút cho đến khi thịt rã đông hoàn toàn, sau đó, nấu thịt ngay.3) Lò vi sóng: sau khi rã đông thịt bằng lò vi sóng, bạn cũng nên nấu thịt ngay.

Sai lần số 8: Đánh giá thức ăn thừa thông qua hương vị, vẻ bên ngoài hoặc mùi thức ăn

Đồ ăn thừa của bạn đã ở trong tủ lạnh 6 ngày, nhưng nhìn vẫn ngon mắt và bạn vẫn dùng chúng cho bữa trưa? Nhưng, bạn nên biết rằng, các loại vi khuẩn gây ngộ độc sẽ không làm biến đổi mùi, hương vị hoặc vẻ ngoài của món ăn.

Giải pháp: Chỉ lưu giữ thức ăn trong tủ lạnh khoảng 3-4 ngày, sau thời gian đó, hãy vứt bỏ thức ăn thừa, cho dù chúng không bốc mùi, không bị nấm mốc, thậm chí vẫn có hương vị ngon.

 width=

Sai lầm số 9: Không rửa tay trước khi rửa thức ăn

Bạn bảo quan rau và cà chua trong tủ lạnh, sau đó, rửa chúng dưới vòi nước sạch, nhưng trước đó, bạn lại quên chưa rửa tay của mình? Điều này có thể sẽ khiến vi khuẩn trên tay bạn lây nhiễm sang thức ăn.

Giải pháp: Rửa sạch tay của bạn với xà phòng và dưới vòi nước ấm, đang chảy trong vòng 20 giây trước khi sơ chế thực phẩm hoặc ăn uống. Bạn có thể ước lượng thời gian 20 giây bằng cách hát bài hát “Happy birthday” 2 lần. Đảm bảo rằng bạn đã rửa cả phần cổ tay, mu bàn tay, kẽ giữa các ngón tay và phía dưới móng tay.

Sai lầm số 10: Rửa lại các loại rau đã được rửa

Một số loại rau hay trái cây đóng gói săn có khi trên bao bì là “đã rửa sach” hoặc “đã rửa sạch 3 lần” hay “có thể ăn liền” nhưng để đảm bảo chắc chắn, bạn mang về nhà và…rửa thêm lần nữa? Làm như vậy, rất có thể bạn sẽ khiến vi khuẩn lại xâm nhập vào loại thực phẩm vốn đã được rửa rất sạch và làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Rửa lại những loại thực phẩm này không giúp ích gì cả, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Giải pháp: Sử dụng ngay những loại trái cây, rau xanh đóng gói mà trên bao bì có ghi rõ “đã rửa sạch” hoặc “có thể ăn ngay”

Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam – Theo livestrong

Viện y học ứng dụng Việt Nam

[:]

5/5 - (1 vote)

Cảm ơn bạn để lại đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *

Leave a Comment