Giải quyết triệt để chứng táo bón
Táo bón tưởng chừng như không đáng lo ngại nhưng để lâu dài sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Một chế độ ăn và lối sống lành mạnh luôn là cách tốt nhất để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa trong đó có chứng táo bón.
Táo bón là một vấn đề tiêu hóa thông thường. Người bị táo bón không thường xuyên đi tiêu, đi phân cứng hoặc phải dùng sức để “rặn”. Nếu đi tiêu ít hơn ba lần một tuần, phân cứng và khô thì có thể được coi là táo bón.
May mắn thay hầu hết các trường hợp táo bón là tạm thời và có thể điều trị đơn giản bằng cách thay đổi lối sống như tập thể dục đều đặn, ăn chế độ ăn giàu chất xơ và uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài ra, những trường hợp nặng có thể được điều trị bằng thuốc nhuận tràng.
Đại tràng là nơi hấp thụ phần lớn nước và muối của cơ thể và khi ruột hấp thụ nước quá nhiều hoặc cơn co thắt của ruột chậm, phân sẽ trở nên khô cứng và đi qua ruột chậm. Khi đó phân khó thoát được ra ngoài và hình thành nên chứng táo bón.
Cũng có thể bị táo bón khi các cơ sử dụng để đi tiêu hoạt động không bình thường khiến ta phải “rặn” để có thể đi tiêu.
Táo bón kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tới cơ thể
Táo bón thường gặp ở người lớn, người ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ lâu, ăn ít chất xơ, uống không đủ nước,…Người dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây táo bón hoặc trải qua hóa trị liệu cũng có nguy cơ cao bị táo bón. Mẹ đang mang thai và đang cho con bú cũng có thể bị táo bón do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Từ đó nếu không điều trị thì táo bón kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nứt hậu môn, sa trực tràng,…
Vậy làm thế nào để điều trị và phòng tránh táo bón?
Luôn phải chú trọng dinh dưỡng trong mọi trường hợp bệnh tật
Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng bệnh lúc đó mà có các biện pháp điều trị khác nhau. Nhưng trong hầu hết các trường hợp thì thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp giảm triệu chứng và phòng ngừa táo bón hiệu quả. Hãy lưu ý những điều dưới đây:
1. Chế độ ăn nhiều chất xơ
Chế độ ăn đảm bảo từ 20-35g chất xơ mỗi ngày, tương đương với một bát khoảng 200g rau lá xanh giàu chất xơ. Bên cạnh đó, chất xơ còn có trong các loại đậu, hạt, hoa quả, ngũ cốc,…Ngoài ra, chất xơ hòa tan FOS, Inulin cũng rất tốt trong việc phòng tránh táo bón. Hiện nay các loại sữa bột, thực phẩm chức năng cũng có bổ sung chất này trong thành phần.
2. Uống đủ nước
Người bình thường trung bình cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước cho cơ thể hoạt động ổn định. Người chơi thể thao hoặc bị mất nước nhiều thì có thể nhu cầu nước sẽ cao hơn.
3. Hoạt động thể chất
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động ruột và những người có lối sống tĩnh tại thường có nguy cơ cao bị táo bón. Vậy nên mỗi ngày nên dành khoảng từ 30 đến 40 phút để tập thể dục, tham gia các hoạt động thể chất nhằm tăng cường sức khỏe.
4. Hạn chế sử dụng các thuốc nhuận tràng, thụt tháo
Lạm dụng các loại thuốc này có thể làm ruột trở nên phụ thuộc vào chúng để hoạt động. Và từ đó rất dễ dẫn đến táo bón kéo dài, gây nên các biến chứng nặng nề hơn.
5. Phân bổ thời gian hợp lý
Hãy dành thời gian để đi tiêu bất cứ khi nào cơ thể có nhu cầu. Đặc biệt đối với trẻ em, vì trẻ thường có xu hướng mải chơi mà nhịn đi tiêu. Từ đó dẫn tới táo bón còn trầm trọng hơn.
Đối với các trường hợp nặng hơn, khiến chứng táo bón kéo dài thì ngoài việc thay đổi lối sống đang có, ta phải tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc nhất là với trẻ em. Đối với phụ nữ có thai thì việc phòng tránh táo bón là rất cần thiết. Khi đó, ngoài chế độ ăn đảm bảo thì việc tập luyện cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến thai nhi.
Minh Hải
Cảm ơn bạn để lại đánh giá
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai, các trường bắt buộc nhập được đánh *